ClockThứ Sáu, 13/09/2019 15:14

“Đầu tàu” trong phong trào nghiên cứu, sáng tạo

TTH - Say mê trong công tác nghiên cứu khoa học, thầy giáo Trần Văn Vu, giáo viên dạy môn kỹ thuật công nghiệp, Trường THCS Phú Diên (Phú Vang) là “đầu tàu” trong việc hướng dẫn học sinh nghiên cứu, sáng tạo.

Cậu học sinh chế tạo máy lọc bụi bằng năng lượng mặt trời“Ngôi nhà thông minh” của KhangĐẩy mạnh thu hút đội ngũ trí thức khoa học công nghệ

Thầy Trần Văn Vu (đứng) hướng dẫn học sinh trong một tiết thực hành

Thầy giáo Lê Tuấn Khương, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Diên cho biết: Cách đây 5 năm, khi các cuộc thi sáng tạo khoa học, sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng được tổ chức, năm nào trường cũng tham gia. Các sản phẩm do thầy, trò Trường THCS Phú Diên sáng tạo, 5 năm liền đoạt giải nhất cấp huyện; giải nhì, ba cấp tỉnh, khích lệ phong trào học tập, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Thầy giáo Trần Văn Vu là “đầu tàu” phong trào nghiên cứu khoa học, có đóng góp không nhỏ đối với những thành tích mà nhà trường đạt được.

“Với vai trò, trách nhiệm của một nhà giáo, cũng như các đồng nghiệp khác, tôi luôn tâm nguyện phải truyền đạt, trau dồi cho học sinh, làm sao để sau khi tốt nghiệp PTTH, các em có nền tảng kiến thức vững chắc, bước tiếp trên con đường học vấn hoặc có thể kiếm sống bằng những kiến thức đã nắm vững tại trường”. Thầy giáo Vu chia sẻ. Từ tâm nguyện đó, thầy giáo Vu luôn trau dồi về chuyên môn để “nối” nhuần nhuyễn những kiến thức từ lý thuyết đến các tiết thực hành, khơi gợi cho các em sự tìm tòi, sáng tạo.

Khi huyện Phú Vang giao cho Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phát động cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật và sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, thầy Vu cùng các học trò nghiên cứu, thực hiện sản phẩm “điện năng vĩnh cửu”, được chế tạo từ nước, kim loại, than, chì tận dụng từ những viên pin đã qua sử dụng, hư hỏng để tạo ra điện thắp sáng. Tiếp theo, các sản phẩm “rô bốt hút bụi lau nhà” điều khiển từ xa, có thể dùng động cơ để điều khiển vừa quay, chạy lau nhà vừa hút bụi hay “giàn phơi áo quần thông minh” có thể “bung” ra phơi khi trời nắng; khi trời mưa tự động thu lại, tự động sấy…

“Từ khuyến khích của giáo viên, học trò đưa ra ý tưởng về các sản phẩm. Thầy, trò cùng “ngồi lại” để lựa chọn ý tưởng về sản phẩm chưa ai từng làm, vừa có hiệu quả thiết thực khi ứng dụng vào cuộc sống. Từ hướng dẫn của thầy, cả nhóm bắt tay nghiên cứu, tìm vật liệu để thực hiện, hoàn thành. Năm nay sản phẩm sáng tạo của thầy trò chúng tôi là “thùng rác thân thiện”, tự động phân loại rác tại gia đình, trường học. “Thùng rác thân thiện” không chỉ tự động “phân” kim loại vào ngăn riêng, các loại rác khác vào ngăn bên cạnh mà còn biết "chào tạm biệt" khi nhận xong rác và báo để lấy rác đưa đến nơi xử lý khi rác trong thùng đầy. Sau khi đoạt giải nhất cấp huyện, giải nhì cấp tỉnh, hiện sản phẩm đang gửi dự thi cấp quốc gia”. Thầy Trần Văn Vu bộc bạch.

Hai bạn Nguyễn Anh Thư và Nguyễn Văn Lợi là nhóm tác giả do thầy giáo Trần Văn Vu hướng dẫn nghiên cứu, thực hiện sản phẩm "thùng rác thân thiện" chia sẻ: Ý tưởng về một thùng rác thân thiện rất hay, nhưng kiến thức của chúng em vẫn còn những “khoảng trống". Thầy Vu đã hướng dẫn để "nối" kiến thức về cách dùng các loại cảm biến hồng ngoại, cảm kim loại để phân rác; sử dụng pin năng lượng mặt trời cung cấp điện cho bình ắc quy... Nhờ sự hướng dẫn, cổ vũ của thầy, chúng em tự tin hơn rất nhiều vì đã cùng nhau thực hiện cuộc "cách mạng công nghệ 4.0" qua sản phẩm này.

Đối với thầy Trần Văn Vu và đồng nghiệp, thành công của Trường THCS Phú Diên không chỉ là những thành tích, giải thưởng cao đã đạt được trong nhiều năm qua. Điều quan trọng nhất là giáo viên đã khơi gợi, “thúc đẩy” niềm đam mê học tập, nghiên cứu khoa học của học trò. Trong quá trình cùng nhau học tập, nghiên cứu, thực hiện các sản phẩm, các em phát huy được tính sáng tạo của cá nhân, nâng cao khả năng làm việc nhóm, để sau này tự tin phát huy trong học tập, công việc và cuộc sống.

“Cách đây không lâu, một học trò cũ của tôi sau khi tốt nghiệp THPT, không học lên đại học mà tự nuôi sống bản thân, phụ giúp kinh tế gia đình bằng nghề thợ điện, với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Một học trò cũ khác “khoe” thu nhập hiện có từ nghề điện cao hơn lương thầy. Tôi rất vui và tự hào. Đây là điều hạnh phúc nhất đối với tôi và các đồng nghiệp”. Thầy giáo Vu nói.

Bài, ảnh: Thanh Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Làm sạch môi trường, “sưởi ấm” lòng người

Ngày 12/5, bên cạnh ra quân dọn dẹp vệ sinh, thực hiện các mô hình hưởng ứng Phong trào Ngày Chủ nhật xanh, các tổ chức, đoàn thể ở nhiều địa còn chung tay giúp đỡ, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Làm sạch môi trường, “sưởi ấm” lòng người
Tâm thế của nhà khoa học trong thực hiện Nghị quyết 54

Chiều 10/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp Hội) tổ chức tọa đàm - hội thảo khoa học với chủ đề "Phát huy vai trò đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", chào mừng Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam (18/5).

Tâm thế của nhà khoa học trong thực hiện Nghị quyết 54

TIN MỚI

Return to top