ClockThứ Bảy, 14/09/2019 06:15

Đổi mới đào tạo, kết nối cung cầu

TTH - Theo đánh giá về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, công tác đào tạo lao động của tỉnh ta chưa được đánh giá cao. Để cải thiện chỉ số này, cần tạo ra sự thay đổi trong đào tạo, kết nối cung - cầu lao động hiệu quả nhằm cung ứng lực lượng lao động tốt nhất cho doanh nghiệp.

“Đổi mới sáng tạo trong giáo dục nghề nghiệp”Bậc đại học cũng có những điều chỉnhBộ GD&ĐT giải đáp những vấn đề nóng của ngành trong thời gian tới

Hướng dẫn kỹ năng nghề cho sinh viên ngành du lịch

Chỉ số đào tạo lao động thấp

Theo đánh giá kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh năm 2018, điểm số PCI của tỉnh tăng 1,14 điểm, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành, giảm 1 bậc so với năm 2017 nhưng nằm trong “nhóm khá” của cả nước so với “nhóm trung bình” như năm trước. Tuy vậy, xếp hạng năm 2018 về chỉ số đào tạo lao động lại xếp thứ 35/63 tỉnh, thành, giảm 18 bậc so với năm 2017.

Trong chỉ số đào tạo lao động, có 11 chỉ số thành phần, đa phần đều tụt giảm so với năm 2017, như: tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá giáo dục dạy nghề có chất lượng tốt, tỷ lệ doanh nghiệp từng sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm, tổng chi phí kinh doanh dành cho đào tạo lao động, lao động đáp ứng được nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Hữu Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Sự kiện cung lễ hội Thiên Phú cho rằng, hầu hết lao động mà doanh nghiệp này tuyển dụng đều phải mất thời gian đào tạo lại từ 6 tháng đến 1 năm, từ ý thức, đạo đức đến kỹ năng nghề nghiệp. Một thực tế “đau đầu” là doanh nghiệp khá vất vả để theo sát đào tạo những người mới nhưng sau một thời gian thạo nghề, người lao động nhảy việc, chuyển vào làm việc ở các tỉnh lân cận. “Doanh nghiệp chúng tôi dù tăng lương, thưởng, tổ chức các hoạt động tham quan… nhưng vẫn không giữ được chân lao động”, ông Trung thở dài.

Mức lương của các doanh nghiệp ở Thừa Thiên Huế còn thấp, các chế độ đãi ngộ chưa tương xứng là nguyên nhân chính khiến lao động nhảy việc. Đây cũng là một trong những lý do một số doanh nghiệp đến hợp tác đào tạo, tuyển dụng với các trường nghề nhưng nhà trường không dám cam kết sinh viên ra trường sẽ vào làm việc tại doanh nghiệp. Đại tá Lê Văn Thạnh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề số 23, Bộ Quốc phòng cho hay: “Sinh viên của Trường cao đẳng Nghề số 23 hầu hết đều có việc làm sau khi ra trường, nhưng đa phần các em dịch chuyển vào các tỉnh phía Nam vì mức lương cao”.

Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đều tiến hành điều tra cung - cầu lao động. Chi phí khá tốn kém, việc điều tra, tổng hợp số liệu vất vả nhưng hiệu quả sử dụng kết quả này chưa cao. Các trường chưa quan tâm nhiều đến việc đào tạo những ngành nghề theo nhu cầu của thị trường.

Doanh nghiệp cần sát cánh với cơ sở đào tạo

Để cải thiện vị trí xếp hạng PCI của tỉnh thuộc vào “nhóm tốt” hoặc nhóm trên của “nhóm khá” thì cần cải thiện vị trí xếp hạng của tất cả các chỉ số thành phần; trong đó, Sở LĐTBXH được UBND tỉnh phân công trách nhiệm cải thiện chỉ số “đào tạo lao động”, phấn đấu nằm trong top 20.

Trường cao đẳng Công nghiệp Huế là một trong những đơn vị chú trọng đào tạo gắn với thực tiễn

Theo ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở LĐTBXH, để cải thiện đánh giá của doanh nghiệp về chỉ số đào tạo lao động, cần phải cải tiến chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề và ý thức làm việc cho người lao động. Các cơ sở đào tạo cần hướng đến đào tạo cái thị trường cần chứ không phải chỉ đào tạo cái mình có. Đã có sự gặp nhau giữa kiến thức đào tạo cho học viên và nhu cầu của doanh nghiệp nhưng tỷ lệ vẫn thấp. Việc liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo là yêu cầu then chốt để đào tạo cái thị trường cần, cung cấp nguồn lao động tốt hơn cho doanh nghiệp.

Trong khâu đào tạo, doanh nghiệp cần bắt tay với các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy đối với từng ngành học. Không chỉ tăng cường thực hành cho sinh viên, giáo viên cũng cần về thực tế ở doanh nghiệp để biết doanh nghiệp đang cần gì, như vậy việc dạy nghề mới gắn với thực tiễn. Việc kiểm tra, thi cử của sinh viên cũng cần siết chặt để đảm bảo chất lượng đầu ra.

Đồng quan điểm trên, Đại tá Lê Văn Thạnh khẳng định, việc nâng cao chất lượng đào tạo là vấn đề sống còn của các cơ sở đào tạo. Doanh nghiệp và cơ sở đào tạo phải ngồi lại với nhau, bàn bạc từ chương trình, giáo trình, bài giảng, đề cương, giáo án. Trong quá trình đào tạo, doanh nghiệp phải cử người dạy một số chương trình liên quan, đón học viên về thực tập, tuyển dụng... Có như vậy, chất lượng đào tạo sẽ đi lên.

Ngành LĐTBXH rất nỗ lực trong việc tổ chức các sàn giao dịch việc làm, ngày hội việc làm nhưng hiệu quả kết nối cung - cầu lao động chưa cao. Vì thế, nâng cao hiệu quả công tác giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động nhằm tạo cầu nối giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với người lao động cũng là giải pháp để cải thiện chỉ số đào tạo lao động.

Chẳng hạn, có thể tổ chức lồng ghép sàn giao dịch việc làm với hội thảo để duy trì và mở rộng việc doanh nghiệp sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm; tạo cơ hội đối thoại giữa các đơn vị giới thiệu việc làm với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong kết nối cung cầu lao động hiện nay. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa việc thành lập các trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm để tạo ra nhiều kênh cung cấp thông tin cho doanh nghiệp tìm kiếm nguồn lao động.

Bài, ảnh: MINH HIỀN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo kỹ năng quản trị quan hệ khách hàng

Ngày 14/5, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) tổ chức lớp đào tạo kỹ năng quản trị quan hệ khách hàng. Chương trình đào tạo thu hút sự tham gia của hơn 60 học viên đến từ các doanh nghiệp trên địa bàn.

Đào tạo kỹ năng quản trị quan hệ khách hàng
Giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024

Sáng 8/5, UBND tỉnh phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) tỉnh Thừa Thiên Huế (PII) 2024. Tham gia hội thảo có các ông Hoàng Minh, Thứ trưởng Bộ KHCN; Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng lãnh đạo Cục Phát triển Công nghệ và ĐMST (Bộ KH&CN), các sở, ban ngành, đơn vị, doanh nghiệp tại địa phương.

Giải pháp cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2024
Tiếp cận những kiến thức mới vào đào tạo

Đại học Huế đón nhiều giáo sư (GS), chuyên gia đầu ngành đến chia sẻ kiến thức mới. Không chỉ là dịp để tiếp cận được kiến thức, mà qua đó phần nào còn khẳng định thương hiệu của Đại học Huế.

Tiếp cận những kiến thức mới vào đào tạo

TIN MỚI

Return to top