ClockChủ Nhật, 19/09/2021 21:59

“Hành lang lương tâm”

Trách nhiệm của trao đi

Dịch COVID-19 đã kéo dài đến đợt thứ tư với hậu quả hết sức nặng nề. Cả xã hội đều căng mình, mệt mỏi và cả “ớn lạnh” nữa. Cái mà mọi người đang cần lúc này là yêu thương và sự sẻ chia, là những năng lượng tích cực để chung tay chiến thắng dịch bệnh. Vậy mà, từ nhiều tuần nay, mở Facebook, YouTube…kể cả ăn sáng, cà phê là lại nghe ra rả tiếng bà này cô kia đả kích, tố cáo, chửi rủa ca sĩ này, nghệ sĩ kia ăn chặn tiền từ thiện. Rồi lại thấy thông tin nghệ sĩ kia ca sĩ nọ lên mạng phân bua, khẳng định, thách thức, làm mình làm mẩy với công chúng…

Về phía công chúng, cơ bản cũng chỉ nghe, bị dẫn dắt bởi ý kiến của thần tượng hoặc của người chỉ trích mà cũng đưa ra bàn tán, phán quyết, xỉa xói nhặng xị cả lên. Công việc đã mệt mỏi, không khí dịch bệnh đã nặng nề, lại còn bị bủa vây bởi những chuyện trời ơi đất hỡi như thế, nghe nó ức chế, bức bối không chịu được. Nhất là khi nghe một nghệ sĩ được gọi tên trong đội ngũ “sao kê” vùng vằng đòi bỏ làm từ thiện, thú thật, với tôi đó là giọt nước tràn ly. Bão lũ thì có thời hạn và có khu vực, còn cơn bão COVID-19 thì kéo dài đã suốt 2 năm và tầm tác hại thì xuyên quốc gia, thiệt hại tài sản, sức khỏe và tính mạng còn gấp nhiều lần bão lũ. Chẳng lẽ trong 2 năm vừa rồi, dân vùng dịch chết cả vì thiếu sự “cứu giúp” của nghệ sĩ?!!

“Đã đến lúc Nhà nước, không cần phải có đơn tố cáo, hãy chủ động vào cuộc để bảo vệ lẽ phải, người đúng! Nhà nước nên phái ra 10 – 20 người thuộc Công an và Kiểm toán để xử lý vụ này… Kiểm toán để giúp những nghệ sĩ đang lấn cấn việc kê khai, vì có thể họ không biết cách, hoặc ngại vấn đề tài chính riêng tư; làm rõ được việc nghệ sĩ làm từ thiện đúng mà sơ sót giấy tờ, hay họ chủ động tham lam, lừa đảo. Dựa vào đó Nhà nước sẽ xử lý tội vu khống, làm nhục người khác (của những người “tố cáo”, “phanh phui”, “chửi bới” nghệ sĩ) hoặc là về tội lừa đảo (nếu đúng là nghệ sĩ sử dụng tiền công chúng cho việc riêng). Phải xử lý rốt ráo, chứ không thể để xã hội sống trong không khí “đấu tố”, thù địch, sai sai đúng đúng lẫn lộn”.  Lướt mạng, chợt bắt gặp kiến nghị ấy, tôi hoàn toàn đồng cảm và ủng hộ.

Lại cảm thấy như được giải tỏa khi thấy báo chí loan tin Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của Bộ Công an khẳng định hôm mồng 6/9: Nhà nước rất khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đóng góp, vận động, kịp thời mang lại hiệu quả thiết thực cho những người đang cần hỗ trợ; theo quy định, việc vận động, tiếp nhận, phân bổ, sử dụng tiền, hàng đóng góp phải được thực hiện kịp thời, đúng mục đích, đối tượng, minh bạch, công khai, nghiêm cấm vụ lợi hay gian lận. Bộ Công an chưa nhận được tố cáo, chưa có báo cáo, tổng hợp từ công an địa phương. Nếu ai có chứng cứ, tài liệu gửi cho cơ quan điều tra tại địa phương hoặc các cục nghiệp vụ của Bộ thì Công an sẽ vào cuộc để đảm bảo đúng quy định.

Cơ quan chức năng đã khẳng định và mở đường rất rõ ràng. Vậy, hãy thôi những ồn ĩ trên những FB, YouTube, Zalo… Tốn thời gian công sức, gây nhiễu loạn thông tin, gây không khí tiêu cực mà chẳng đi đến đâu. Hãy cứ theo pháp luật mà hành xử. Gọn gàng, minh bạch và văn minh, văn hóa. Cũng theo người phát ngôn Bộ Công an, việc minh bạch số tiền quyên góp được là không khó, bởi “nhận bao nhiêu, chi bao nhiêu là con số số học, hoàn toàn có thể làm được”. Do vậy, “các nguyên đơn và bị đơn” (xin được tạm gọi như thế) nên thôi làm phiền xã hội, hãy dũng cảm nói chuyện với nhau rạch ròi bằng pháp lý để rồi ai còn việc nấy, lo sản xuất, làm ăn, lo cảnh giác chống dịch.

Mùa mưa bão 2021 đã chính thức gõ cửa miền Trung. Có tiếng thở dài âu lo, tình hình này sợ không ai làm từ thiện nữa; có người thì đề nghị Nhà nước tạo hành lang pháp lý cho từ thiện… Nhớ lại, năm ngoái khi ca sĩ Thủy Tiên đến miền Trung, nhiều ý kiến đã “phê phán” Nghị định 64 của Chính phủ, cho là lỗi thời, là bó tay từ thiện… Nhắc lại để nói rằng, hành lang pháp lý có rồi đấy. Đúng là có những quy định không còn phù hợp với thực tiễn, nhưng cũng không vì thế mà Nhà nước ngăn cản, gây khó khăn, ngược lại còn ghi nhận để có sửa đổi cho sát hợp. Hành lang pháp lý là không khó và chắc chắn đã/sẽ tiếp tục có. Nhưng quan trọng nhất vẫn là “hành lang lương tâm”, đó là cái mà bất kỳ ai cũng cần có, nếu muốn dấn thân với con đường thiện nguyện. Chỉ khi có “hành lang lương tâm”, thì những lùm xùm, những điều tiếng trong dư luận như kiểu “nghề từ thiện là nghề giàu nhất” mới chấm dứt. Lúc đó, xã hội mới có thể nhìn những “mạnh thường quân”, những nhà thiện nguyện với ánh nhìn hoàn toàn trong trẻo, tôn vinh và biết ơn.

THƯỢNG BÍCH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Một công đôi việc

Thời tiết đang chuyển mùa với nóng, lạnh, nồm ẩm đan xen nên nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trên vật nuôi là rất cao. Theo thông tin mới nhất, dịch cúm gia cầm H5N1 đang xuất hiện tại một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam; cùng với một số dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi vẫn đang tiềm ẩn.

Một công đôi việc
Trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Quảng Điền

Ngày 22/1, tại trường tiểu học số 1 Quảng Thành (xã Quảng Thành, huyện, Quảng Điền), Ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh tổ chức chương trình tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở 2 trường tiểu học thuộc xã Quảng Thành.

Trao quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Quảng Điền
Return to top