ClockThứ Năm, 02/10/2014 18:22

Ràng buộc trách nhiệm, đảm bảo thực hiện cam kết

TTH - Áp dụng ký quỹ môi trường đối với các đơn vị khai thác khoáng sản đã tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý. Sự ràng buộc về mặt kinh tế này buộc các tổ chức doanh nghiệp khai thác khoáng sản thực hiện cam kết cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác tốt hơn.

Kiểm tra việc cải tạo phục hồi môi trường bãi khai thác vàng ở Nam Đông

Do trước đây, Nhà nước chưa ban hành quy định về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với mỗi dự án cấp phép khai thác khoáng sản, chưa có sự ràng buộc về tính pháp lý, nhất là về tài chính nên nhiều đơn vị thiếu ý thức trách nhiệm trong việc hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác.

Hậu quả từ thiếu ràng buộc

Mặc dù đã qua gần 30 năm, nhưng bãi thải do một công ty khai thác khoáng sản Apatit hoạt động vào khoảng năm 1984, 1985 vẫn để lại hậu quả đáng buồn cho người dân và địa phương xã Thượng Long (Nam Đông). Tồn tại lâu nay trên diện tích chừng 1,7 ha, hễ mùa mưa là dòng nước kéo theo những chất từ bãi thải apatit đổ xuống dòng suối A Kỳ, khiến người dân trong vùng không thể sử dụng nguồn nước này. Mùa hè lại xuất hiện khí lưu huỳnh và sunfua. Mới đây, xã Thượng Long có kế hoạch xây dựng trường mầm non trên khu đất này. Nhưng trước khi xây, xã muốn khu đất này phải sạch để đảm bảo môi trường. Theo đề xuất của địa phương, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Đông đã gửi văn bản lên tỉnh nhờ xử lý. Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết đơn vị đang phối hợp với cơ quan tư vấn lấy mẫu để đánh giá mức độ, hàm lượng các khí tồn lưu và đề xuất hướng xử lý trong thời gian sớm nhất.
Không riêng trường hợp kể trên, những năm về trước, nhiều đơn vị khai thác đất đá san lấp mặt bằng sau khi khai thác xong vẫn không tuân thủ việc hoàn thổ, phục hồi môi trường gần với hiện trạng ban đầu. Nhiều trường hợp như ở Phong Điền, Phú Lộc, Hương Trà..., chính quyền địa phương rất bất bình vì đơn vị khai thác sau khi rút đi để lại những bãi chiến trường lổn nhổn hố sâu, vừa gây mất an toàn cho người dân trong quá trình sinh hoạt và sản xuất, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng môi sinh.
Biện pháp để phục hồi môi trường
Kể từ đầu năm 2009, việc ký quỹ môi trường của các đơn vị khai thác khoáng sản được thực hiện và Qũy Bảo vệ Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế là đơn vị đầu mối thu khoản tiền này. Ký quỹ môi trường được áp dụng đối với tất cả những đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh với khoản tiền đặt cọc đủ lớn để đảm bảo cho việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và công tác bảo vệ môi trường. Theo quy định, số tiền ký quỹ được tính dựa vào trữ lượng, diện tích khai thác và căn cứ công thức quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Số tiền này thường lớn hơn hoặc xấp xỉ với kinh phí cần để khắc phục môi trường nếu doanh nghiệp gây ra ô nhiễm hoặc làm suy thoái môi trường.
Đến nay, toàn tỉnh có 45 doanh nghiệp khai thác khoáng sản như đất đá làm vật liệu xây dựng, mỏ đá, titan, vàng... tham gia ký quỹ môi trường với số tiền ký quỹ trên 10,81 tỷ đồng. Trong đó cao nhất là Công ty TNHH NNMTV Khoáng sản Thừa Thiên Huế với số tiền ký quỹ hơn 3 tỷ đồng, còn lại bình quân 100 đến 200 triệu đồng mỗi đơn vị khai thác.
Trong quá trình khai thác, nếu chủ khai thác có các biện pháp chủ động khắc phục, không để xảy ra ô nhiễm hoặc suy thoái môi trường đúng như cam kết, được đơn vị chức năng xác nhận, số tiền ký quỹ sẽ được hoàn trả lại cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết hoặc phá sản, số tiền trên sẽ được chi cho công tác khắc phục sự cố ô nhiễm. Để đảm bảo lợi ích hài hòa cho doanh nghiệp, số tiền này cũng được tính lãi suất tiền gửi không kỳ hạn kể từ thời điểm ký quỹ. Khoản lãi này chỉ được rút một lần sau khi có xác nhận hoàn thành toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường.
Mới đây, Quỹ đã sử dụng 65 triệu đồng tiền ký quỹ môi trường của Công ty TNHH Quang Vinh để thực hiện cải tạo phục hồi môi trường bãi khai thác vàng tại xã Thượng Long (Nam Đông) do đơn vị này vi phạm không hoàn thành dự án cải tạo phục hồi môi trường như cam kết.
Công ty TNHH NNMTV Khoáng sản Thừa Thiên Huế là đơn vị chuyên khai thác các mỏ quặng titan với diện tích, trữ lượng lớn. Những năm qua, đơn vị chú trọng công tác phục hồi môi trường trong và sau quá trình khai thác. Tại những khu vực đã khai thác xong, công ty đã thực hiện hoàn thổ theo hình thức cuốn chiếu, khai thác đến đâu hoàn trả mặt bằng đến đó. Hằng năm, đơn vị trồng cây lâm nghiệp phục hồi môi trường tại các diện tích đã khai thác xong theo đúng thiết kế, kỹ thuật và được các ngành chức năng, địa phương giám sát, nghiệm thu. Năm 2013, sau khi trồng cây phục hồi môi trường tại điểm mỏ khai thác titan ở xã Điền Hải, Phong Hải (Phong Điền), đơn vị đã được Quỹ hoàn trả 380 triệu đồng khoản tiền đã ký quỹ.
Ông Nguyễn Hữu Quyết, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, kiêm Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh cho biết, từ khi thực hiện ký quỹ môi trường đã trở thành công cụ kinh tế đắc lực, ràng buộc ý thức và trách nhiệm của các đơn vị khai thác. Nhờ khoản tiền ký quỹ này, nhà nước không phải đầu tư kinh phí khắc phục môi trường từ ngân sách, mặt khác khuyến khích doanh nghiệp có tinh thần trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.
Bài, ảnh: Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục

Ngày 26/4, Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Tập đoàn Giáo dục EQuest và Trường đại học Phú Xuân tổ chức lễ chào mừng Ngày SHTT thế giới với chủ đề “SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo”. Tham dự sự kiện có ông Lưu Hoàng Long, Cục trưởng Cục SHTT. Về phía tỉnh có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Sự kiện còn thu hút gần 60 đại biểu quốc tế.

Lan tỏa văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ trong giáo dục
Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
Return to top