ClockThứ Bảy, 08/05/2021 06:45

Sử dụng cọng rơm hiệu quả

TTH.VN - Tháng 4/2020, Chủ tịch UBND tỉnh - Phan Ngọc Thọ có chỉ thị cấm đốt rơm rạ sau thu hoạch. Chỉ thị giao cho 7 đầu mối cấp, ngành chỉ đạo, giám sát việc thực hiện. Mới đây, Chủ tịch tỉnh lại có chỉ thị nhắc lại việc này.

Xử lý rơm rạ bằng biện pháp canh tác tổng hợpNơi chim én bay vềNghịch lý…rơmNgăn chặn “đốt đồng”, tránh thảm họa môi trườngKẻ vui người buồnHao cơm với cá kho ủ trấu

                 

Rơm sau thu hoạch chưa được tận dụng tối đa. Ảnh: Đức Quang

Cấm là vì đốt rơm rạ trên đồng ruộng: “Gây ô nhiễm môi trường không khí, làm phát thải một lượng lớn khí CO2, CO, SO2, NO2, tro bụi,… ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe con người, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, đốt rơm rạ sẽ làm cho một lượng nước trong đất bị bốc hơi, đất thoái hóa; tiêu diệt các loại sinh vật có ích, làm mất cân bằng hệ sinh thái ruộng lúa, gây bộc phát nhiều đối tượng sâu bệnh trên đồng ruộng”.

Rơm rạ là một loại phụ phẩm nông nghiệp, nếu sử dụng tốt sẽ tạo ra giá trị tăng thêm cho cây lúa. Đem rơm rạ đi đốt là chưa tận dụng được nguồn lợi này.

Vì sao giá đường của nhiều nước, ở trong nước thì có Hoàng Anh Gia Lai lại rẻ? Là vì họ đã tạo ra được chuỗi trong sản xuất. Sản phẩm thải loại của khâu này lại là sản phẩm đầu vào của khâu khác. Mía khi thu hoạch ép ra sẽ sản xuất ra đường. Bã mía sản xuất  ra phân bón. Mật mía sẽ tinh chế ra cồn… Nếu tính đúng, tính đủ lợi nhuận từ các khâu thì thực chất giá đường còn rẻ hơn nữa. Chúng ta nói đường cao hay thấp là vì chúng ta “cắt khúc” các khâu.

Ở nhiều vùng nông thôn các tỉnh, rơm rạ được sử dụng đưa lại giá trị. Người nuôi bò muốn có rơm phải đi mua, một sào ruộng cả triệu đồng. Hiện nay đã có máy cuốn rơm tạo sự thuận tiện để cất trữ rơm được lâu dài. Ở Thừa Thiên Huế, rơm cũng được dùng làm vào nhiều việc. Nhiều nhất là làm thức ăn thô cho trâu bò, làm nấm rơm; dùng ủ giữ ẩm cho gốc cây, ủ gốc kiệu… Ở nhiều hàng bán các loại vật liệu cho chăm sóc cây cảnh, một bao rơm bán đến 30 ngàn đồng. Cho nên, sử dụng nguồn rơm phong phú, tạo hiệu quả là điều cần tính toán.

Sử dụng máy cuộn rơm sẽ giúp tránh lãng phí nguồn rơm rạ sau thu hoạch. Ảnh Internet

Hàng năm, tỉnh ta chi ra hàng chục tỷ đồng cho việc nghiên cứu khoa học. Nếu ở nhiều vùng, người nông dân không biết dùng vào việc gì, đem đi đốt thì đây chính là đối tượng cho những đề tài nghiên cứu khoa học. Phải tìm ra cách để hướng dẫn nông dân sử dụng rơm hiệu quả hơn. Như trên đã nói, rơm rạ là phụ phẩm nông nghiệp, là đầu vào cho một số đối tượng sản xuất. Để nâng cao hiệu quả cây trồng, vật nuôi nên tạo ra chuỗi, kiểu như Hoàng Anh Gia Lai sản xuất mía đường thì cây lúa sẽ tạo ra giá trị gia tăng được nhiều hơn, nghĩa là thu nhập người nông dân được cải thiện.

Tổng đàn trâu bò ở Thừa Thiên Huế cũng kha khá. Tính đến cuối năm 2018 có khoảng 58.000 con. Đây sẽ là một nguồn tiêu thụ rơm rạ rất lớn. Khổ nỗi, nơi nhiều trâu bò thì ít rơm rạ. Hiện nay, người dân nuôi bò nhiều nhất là ở vùng núi và vùng bán sơn địa. Ở vùng đồng bằng, cư dân quần tụ lại thành từng cụm, cộng với tốc độ đô thị hóa nên điều kiện cho chăn nuôi cũng khó khăn hơn, lại là vùng nhiều rơm rạ. Biết đâu điều phối tốt nguồn rơm rạ này nó sẽ sinh ra một ngành nghề kinh doanh hiệu quả - kinh doanh rơm. Tại sao không? Vấn đề là phải nghiên cứu làm sao để thu hoạch rơm hiệu quả (kiểu như máy cuốn rơm đang phổ biến), thu gom và vận chuyển như thế nào để hạ giá thành thấp nhất. Người chăn nuôi mua rơm hoặc làm nấm tính toán ra có chi phí thấp; người kinh doanh, vận chuyển cũng có lãi. 

Rõ ràng ở đây cần một bài toán kinh tế. Vì chuyện đốt rơm liên quan đến cộng đồng và xã hội nên có thể Nhà nước dùng ngân sách để nghiên cứu làm việc này, tìm ra một phương thức giải quyết vấn đề tốt nhất. Biến cái không có ích thành cái có ích; biến cái không lợi lộc gì, thành cái có lợi.

Lê Phương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ phối hợp trong phòng, chống buôn lậu

Triển khai Kế hoạch phối hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BL, GLTM & HG) trên địa bàn tỉnh năm 2024 do Ban Chỉ đạo 389 tỉnh ban hành, chỉ riêng trong tháng 4, các cơ quan chức năng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Hiệu quả từ phối hợp trong phòng, chống buôn lậu
“Bẫy” người đi đường

Cứ vào mùa thu hoạch, tại một số tuyến đường ở vùng quê, vùng nông thôn, người dân lại chiếm dụng làm nơi để phơi lúa.

“Bẫy” người đi đường

TIN MỚI

Return to top