ClockThứ Năm, 23/09/2021 13:30

Vươn tầm ngư nghiệp - kỳ 2: Ngư dân phải là chủ thể

TTH - Không có con đường nào khác, ngư dân cần phải mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại, nắm bắt khoa học, kỹ thuật tiên tiến, thay đổi tư duy trong đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản.

Vươn tầm ngư nghiệp - Kỳ 1: Nghịch lý

Mô hình nuôi tôm khép kín, an toàn ở Ngũ Điền

Giám sát nuôi an toàn

Tại vùng cát ven biển Ngũ Điền, hay ở Phú Lộc đã có một số hộ dân mạnh dạn chuyển đổi phương thức nuôi tôm chân trắng thông thường sang nuôi ao tròn, ứng dụng các biện pháp an toàn sinh học. Với mô hình ao tròn của ông Đặng Phước Lộc ở Ngũ Điền rất dễ quản lý môi trường, dịch bệnh, chăm sóc tôm đã hạn chế tối đa rủi ro trong quá trình nuôi so với ao vuông; kết hợp với quy trình, kỹ thuật nuôi tiên tiến, không sử dụng kháng sinh, hóa chất tạo ra sản phẩm an toàn. Trong điều kiện dễ kiểm soát, quản lý, mô hình nuôi tôm bằng ao tròn với diện tích nhỏ có thể nuôi được 3 vụ/năm, trong đó có cả vụ hè.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Hoàng Vinh ở xã Vinh Mỹ (Phú Lộc) với hạ tầng kỹ thuật được đầu tư khá đồng bộ. Cứ 2-3 ao nuôi tôm thương phẩm có một ao lắng xử lý nước. Đồng thời, thực hiện nuôi tôm thẻ tiên tiến theo hai giai đoạn “ương dưỡng và nuôi thương phẩm”. Giống tôm sau 30 ngày ương dưỡng, theo dõi, kiểm dịch, xử lý các mầm bệnh, đảm bảo an toàn mới chuyển vào ao nuôi. Với việc thay đổi phương thức nuôi tôm, từ hai năm nay, mô hình nuôi tôm của ông Vinh với 4 ha (14 hồ) đều đạt năng suất bình quân 15-20 tấn/ha/vụ, lãi 2-3 tỷ đồng/vụ.

Tuy nhiên nhiều người đặt dấu hỏi, tại sao các mô hình hiệu quả này không được nhân rộng? Điều này được Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu khẳng định, việc chuyển đổi mô hình nuôi tôm tiên tiến phần lớn phụ thuộc vào sự mạnh dạn đầu tư, thay đổi tư duy trong nuôi trồng của người dân. Sự bảo thủ, không tuân thủ định hướng, tuyên truyền của chính quyền địa phương, các ban ngành là rào cản lớn trong phát triển nghề nuôi tôm chân trắng trên cát ven biển.

Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam - Chi nhánh đông lạnh Thừa Thiên Huế nhiều lần đặt vấn đề với các địa phương để vận động, tập hợp người dân đầu nuôi tôm an toàn sinh học theo mô hình của công ty. Ông Phạm Nhật Tế, phụ trách kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu vào của công ty này khuyến khích, vận động người dân nên mạnh dạn, tuân thủ các quy định, quy trình kỹ thuật trong quá trình nuôi theo sự hướng dẫn, hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật. Công ty cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm của người dân với giá thỏa thuận, ổn định theo hướng có lợi cho người dân nếu đáp ứng các quy định, yêu cầu từ phía công ty.

Ngư dân vận chuyển cá nục lên bờ

Giám đốc Sở NN&PTNT, ông Nguyễn Đình Đức cho rằng, sự hỗ trợ về kỹ thuật sản xuất, bao tiêu sản phẩm của Công ty CP Chăn nuôi C.P là cơ hội lớn cho ngành thuỷ sản và các địa phương đầu tư nuôi tôm an toàn sinh học. Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng nuôi tôm trên cát theo hướng hiện đại. Hạ tầng nuôi tôm được quy hoạch bài bản, khoa học, đảm bảo đầy đủ hệ thống xử lý nước cấp, nước thải, ao lắng…

Một trong những yêu cầu quan trọng trong quá trình nuôi tôm an toàn, đó là không sử dụng kháng sinh, các chất cấm, hoặc sử dụng trong giới hạn cho phép. Theo đó, ưu tiên phát triển nuôi tôm trên cát theo hướng ứng dụng công nghệ cao, kết hợp các biện pháp quản lý tiên tiến (GAP, BMP, CoC...), thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc; nuôi theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Bio-Floc…

Hằng tháng, Chi cục Thủy sản và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh tổ chức quan trắc môi trường nước (tần suất một lần/tháng) để phục vụ nuôi trồng thủy sản trên đầm phá và các vùng nuôi tập trung nhằm có sự khuyến cáo, điều chỉnh phù hợp. Các đơn vị này phải thường xuyên lấy mẫu tôm để kiểm tra, giám sát dư lượng các chất độc hại trong thủy sản nuôi để theo dõi, quản lý. Việc này duy trì hàng tháng, chủ yếu là tôm nuôi tại bốn vùng tập trung nguyên liệu phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa là Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc.

Khai thác hải sản có giá trị để xuất khẩu

Phó Chủ tịch UBND phường Thuận An (TP. Huế), ông Nguyễn Văn Giàu cho rằng, trong điều kiện ngư trường gần bờ chưa thật sự hồi sinh mạnh mẽ thì việc vươn khơi, bám ngư trường vùng biển xa khai thác hiệu quả là điều tất yếu. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào sự mạnh dạn của ngư dân và tuân thủ quy định, định hướng của các cơ quan chức năng trong quá trình vươn khơi, bám biển. Ngư dân phải thay đổi triệt để tư duy, tập quán khai thác thô sơ, lạc hậu, mạnh dạn đầu tư công nghệ, ngư cụ hiện đại. Các nghiệp đoàn khai thác xa bờ phát huy năng lực, trách nhiệm, có sự liên hệ, kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong khai thác, thăm dò ngư trường, quá trình đánh bắt một cách hiệu quả.

Việc thăm dò, phát hiện luồng cá có giá trị không thể ngày một ngày hai mà có khi mất cả tuần, mười ngày nhưng nhiều ngư dân chỉ đầu tư máy dò cá thông thường, chưa xứng tầm. Trong khi tại nhiều tỉnh, thành như Bình Định, Khánh Hòa… ngư dân đầu tư máy dò cá rất hiện đại, có giá trị đến 3 tỷ đồng thì máy dò của ngư dân trên địa bàn tỉnh cao lắm chỉ vài trăm triệu đồng. Để nghề đánh bắt xa bờ hiệu quả, hướng đến xuất khẩu sản phẩm, hơn ai hết ngư dân cần mạnh dạn đầu tư công nghệ hiện đại đánh bắt hải sản có giá trị. Cơ quan chức năng định hướng, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ bảo quản để khôi phục nghề câu cá ngừ đại dương.

Mặc dù có những đầu tư tích cực nhưng các công đoạn xử lý cá trước khi bảo quản và hầm lạnh bảo quản nguyên liệu trên tàu còn nhiều hạn chế, độ lạnh chưa đủ sâu, thời gian giữ nhiệt không lâu… làm hạn chế chất lượng, thất thoát một lượng lớn sản phẩm từ 10-25%. Theo ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh, các đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá cần hỗ trợ tích cực trong quá trình cung ứng nhiên liệu, thu mua hải sản kịp thời, giúp tàu khai thác có thời gian bám biển nhiều ngày hơn, tiết kiệm nhiên liệu, giảm tổn thất sau khai thác.

Ông Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần phải rà soát lại cơ cấu nghề, ngư trường đánh bắt nhằm xác định cơ cấu đội tàu khai thác hợp lý. Từ đó hướng dẫn ngư dân cải hoán tàu, thuyền kết hợp nâng cấp hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả đánh bắt. Đồng thời, đầu tư công nghệ bảo quản tiên tiến góp phần giảm tổn thất trong quá trình khai thác hải sản. Cơ sở hạ tầng nghề cá, nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành thuỷ sản như thăm dò, dự báo ngư trường, đối tượng khai thác có giá trị kinh tế cao, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường… cần được đầu tư thỏa đáng.

Trước xu thế hội nhập, nguồn thực phẩm phải đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, an toàn thực phẩm là yêu cầu cấp thiết. Với mục tiêu quản lý, giám sát hành trình, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định (IUU), Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai đồng bộ việc nâng trang cấp thiết bị hệ thống thông tin liên lạc từ xa có tích hợp định vị vệ tinh. Đến nay, toàn tỉnh đã trang bị khoảng 400 máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp định vị vệ tinh cho 400 tàu trong diện bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng trạm bờ đặt tại Chi cục Thủy sản nhằm thực hiện công tác giám sát, theo dõi, quan sát hành trình của tàu cá hoạt động trên biển qua màn hình máy vi tính tại trạm bờ, hệ thống thông tin liên lạc tầm xa.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Phương thông tin, theo định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 đối với lĩnh vực thủy sản, tỉnh đã và đang tiến hành triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, cơ chế chính sách thu hút đầu tư để tăng năng suất, sản lượng và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tạo ra nguồn nguyên liệu lớn phục vụ chế biến xuất khẩu.

Theo đó, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, phát triển các cơ sở sản xuất giống, chế biến thức ăn, tập trung phát triển các đối tượng nuôi có lợi thế của tỉnh, như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, cá nước lợ. Đồng thời, đầu tư hạ tầng bến cảng, âu thuyền đáp ứng nhu cầu cập bờ, tránh trú bão cho tàu thuyền; đầu tư công nghệ, thiết bị hiện đại phục vụ khai thác hải sản có giá trị, hướng đến chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động
Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận

Việc đầu tư nâng cấp khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận (Phú Vang) nhằm phục vụ sản xuất cho ngư dân trên địa bàn và các vùng lân cận là vô cùng bức thiết, khi âu thuyền này đã xuống cấp nhiều năm.

Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận
Return to top