ClockThứ Bảy, 15/04/2017 05:26

Làng biển vào mùa cá rò

TTH.VN - Cá rò xuất hiện từ đầu tháng 4 ở vùng cửa biển. Ngoài làm cá giống phát triển nuôi trồng thủy sản, cá rò là nguyên liệu làm nên loại mắm ngon nức tiếng.

Mùa cá rò kéo dài khoảng một tháng, chừng ấy thời gian nhưng được người dân vùng Thuận An (huyện Phú Vang) và Hải Dương (thị xã Hương Trà) xem như là mùa “hái lộc”. Mỗi ngày, họ đánh bắt thu về cả tạ, bán ra từ vài triệu đến vài chục triệu…

Ngư dân Hải Dương bên lứa cá rò đầu mùa vừa đánh bắt được ở cửa biển Thuận An

“Cá không nhiều như mọi năm nhưng cũng là lộc trời cho, tranh thủ mùa này kiếm ít tiền cho gia đình”, anh Nguyễn Văn Long, ngư dân thôn Thai Dương Hạ Nam (xã Hải Dương) nói vọng lên khi chúng tôi hỏi thăm.

Gần một tuần qua, anh Long cùng nhiều ngư dân trong vùng dùng ghe thuyền ra đặt đáy… bắt cá rò. Cá rò sống vừa đem lên bờ được các hộ nuôi cá kình trên vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai như Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc về tận nơi thu mua. “Những ngày đầu 1 rá cá rò (khoảng 2kg) có giá từ 400.000 – 500.000 đồng. Người ta tranh nhau mùa về làm giống. Ngư dân đánh bắt vui lắm”, chị Huỳnh Thị Giàu (thôn 2, xã Hải Dương) hồ hởi. Còn với cá kém chất lượng hơn bán cho các chủ chuyên sản xuất mắm ở ngay trong xã hoặc bên kia cửa biển Thuận An (Phú Vang).

Theo chị Giàu, mỗi năm vào vụ cá rò, ngư dân ở đây có thu nhập khấm khá. Thế nhưng, theo kinh nghiệm đánh bắt của ngư dân, năm nay cá rò mất mùa. Cá vào ít hơn, không dày đặc và liên tục. “Cá vào được vào ba bữa rồi lại không thấy đâu, nên mấy bữa nay đánh bắt cũng thất thường, khi có, khi không”, anh Nguyễn Văn Dần (thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An), nói.

Nhắc đến cà rò, không thể không nhắc đến mắm. Mắm được làm từ nguyên liệu cá rò nổi tiếng xứ Huế, là đặc sản không chỉ khiến khách phương xa ưa thích mà ngay cả những người dân trong vùng cũng mua về ăn. Dọc theo cửa biển Thuận An thuộc thị trấn Thuận An  (Phú Vang) đến mùa này dậy mùi thơm pha hương cay khiến ai ngang qua cũng muốn nếm thử. 

Theo kinh nghiệm của những người chuyên làm mắm cá rò, để có một thẩu mắn cá rò ngon không hề đơn giản, từ việc chọn cá, làm sạch, ướp gia vị… tất cả phải cầu kỳ. Chị Ngô Thị Sang (thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An) – người có kinh nghiệm nhiều năm làm mắm chia sẻ để bí quyết để có thẩu mắm cá rò ngon cần phải chọn cá mới đánh bắt, còn tươi nguyên. “Cá mang về phải làm sạch và không được vỡ nát. Rửa sạch vài nước, chờ cá ráo rồi muối cá để chừng vào chục phút cho thấm trước khi cho vào lu vại để ém chặt”, chị Sang cho hay. Sau một tuần, mười ngày có thể lấy ra và ăn. Tùy theo khẩu vị cách ăn của từng người mà thêm gia vị, tỏi, đường, ớt trái…

Dưới đây là những hình ảnh ngư dân đánh bắt cá rò, sản xuất mắm được Thừa Thiên Huế Online ghi lại nhiều ngày qua:

Ngư dân dùng kéo dọc lưới theo bờ đập đánh bắt cá rò đầu vụ

Ngư dân rủ lưới kiểm tra số lượng cá rò trước khi cho ra chậu

Cá được thả tạm vào bên trong những cái om lớn chờ thương lái về thu mua

Nhiều ngư dân khác dùng thuyền ra xa bắt cá rò

Cùng nhau kéo lưới 

Một mẻ cá rò tươi sống

Người làm mắm kiểm tra thành phẩm mắm cá rò

Vị thơm cá rò khiến nhiều người đã từng thưởng thức sẽ khó quên

Mắm cá rò chín có màu đỏ đậm đặc, mùi thơm nồng cay

Ngoài việc làm nguyên liệu sản xuất mắm, cá rò khi trưởng thành được gọi cái tên khác là cá kình - một món ăn được nhiều người ưa thích với đủ cách chế biến khác nhau

Và bánh khoái cá kình là một trong những món ăn nổi tiếng, trở thành đặc sản của vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Nổi tiếng nhất là bánh khoái cá kình làng Chuồn nay thuộc thôn An Truyền, xã Phú An (huyện Phú Vang)

Thực hiện: PHAN THÀNH

 

 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhặt “lộc biển”

Từ sau tháng Giêng đến nay, sứa biển đã bắt đầu xuất hiện. Tùy theo con nước, sứa thường bị sóng đánh dạt vào bờ. Đây cũng là thời điểm nhiều người đi biển thử vận may với việc nhặt sứa.

Nhặt “lộc biển”
Vững bến neo

“Vững bến neo” là tâm nguyện, là sự mong ngóng của bao thế hệ ngư dân vươn khơi bám biển và chính quyền các cấp của Thừa Thiên Huế trong nỗ lực đáp ứng tốt nhất có thể các nhu cầu phát triển nghề cá của bà con ngư dân. Và dự án cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP. Huế) kết hợp khu neo đậu, tránh trú bão được xây dựng với kinh phí 220 tỷ đồng đã được triển khai và hoàn thành sau hơn ba năm xây dựng. Nằm trước cửa biển Thuận An, cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão trở thành một điểm kết nối, điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

Vững bến neo
Trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em”

Ngày 14/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp chính quyền xã Hải Dương (TP. Huế) và mạnh thường quân tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em” với số lượng 600 con gà giống đến 20 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có con em trong độ tuổi đến trường.

Trao mô hình sinh kế “Đàn gà cho em”
Tôm, cá trở về

Đã mấy chục năm rồi, ngư dân vùng biển Ngũ Điền (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) mới được chứng kiến những đàn cá nục, cá trích, khuyết (ruốc)… bơi vào tận ven bờ. Vùng biển lộng đang hồi sinh!

Tôm, cá trở về
Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

Đơn vị tư vấn giám sát đang thực hiện đo bình đồ luồng cảng và vùng nước trước cầu cảng Thuận An (TP. Huế) và hoàn thiện các thủ tục gửi Cục Hàng hải Việt Nam để đăng ký công bố mở cảng.

Sớm đưa Cảng cá Thuận An vào hoạt động

TIN MỚI

Return to top