Chuyến thăm gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Malaysia, Singapore và Indonesia báo hiệu một kỷ nguyên cạnh tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á. Đáng chú ý, ông Pompeo đã giới thiệu chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Donald Trump và gián tiếp thách thức chiến lược đầu tư của Trung Quốc trong khu vực bằng cách kêu gọi một chiến lược "cởi mở và minh bạch hơn".
Chiến lược của Mỹ dường như nhấn mạnh đầu tư của lĩnh vực tư nhân, đối lập với Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia trong khu vực và tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Nhằm tăng thêm sức mạnh cho chiến lược, Mỹ tuyên bố sẽ đầu tư 113 triệu USD vào các lĩnh vực như công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, từ đó đưa ra lựa chọn thay thế cho BRI.
Cuộc tranh đua Mỹ - Trung là khó tránh sau khi chính quyền ông Trump công khai xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược và mối đe dọa kinh tế. Đông Nam Á nhiều khả năng trở thành đấu trường hàng đầu cho cuộc cạnh tranh này do có tầm quan trọng về địa kinh tế và địa chiến lược.
Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có thể cạnh tranh với Trung Quốc ở Đông Nam Á hay không? Khó có câu trả lời rõ ràng bởi cả hai nền kinh tế đứng đầu thế giới đều có những lợi thế và bất lợi riêng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nói một cách đơn giản, Trung Quốc có lợi thế về kinh tế và địa lý trong khi Mỹ có ưu thế về địa chính trị và vị thế lãnh đạo toàn cầu.
Mỹ hiện vẫn là siêu cường toàn cầu với lợi thế đáng kể ở Đông Nam Á, mặc dù cán cân ảnh hưởng có thể thay đổi nếu Washington không cạnh tranh hiệu quả trong khu vực.
Trước hết, Mỹ có nhiều đồng minh và đối tác tại khu vực, bao gồm Philippines, Singapore, Thái Lan... Đó là điều quan trọng bởi các nước này đều hướng đến Mỹ để có được sự hỗ trợ an ninh nếu có chuyện không hay xảy ra. Trong bối cảnh Trung Quốc không có đồng minh chính thức trong khu vực và khó có thể tìm được một đồng minh như thế trong tương lai gần, hệ thống đồng minh của Mỹ là một lợi thế không nhỏ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bắt tay Tổng thống Joko Widodo trong chuyến thăm thủ đô Jakarta - Indonesia hôm 5/8 Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, một số quốc gia trong khu vực vẫn còn hoài nghi Trung Quốc vì những lý do lịch sử, kinh tế hoặc chiến lược. Họ có thể hưởng lợi từ việc làm ăn với Trung Quốc nhưng cũng muốn giữ khoảng cách an toàn với quốc gia này. Chưa hết, các giá trị của Washington vẫn còn hiện diện tại khu vực dù quyền lực mềm của Mỹ chịu tổn thất phần nào kể từ khi ông Trump nhậm chức và chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông không mang lại thêm người bạn nào ở châu Á - Thái Bình Dương.
Điều thú vị là lợi thế của Trung Quốc lại là những điều Mỹ thiếu: Sự gần gũi về kinh tế và hội nhập về địa lý. Điều này còn đúng hơn nữa giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra. Nhiều thành viên ASEAN cảm thấy không dễ chịu và lo ngại hậu quả từ cuộc cạnh tranh kinh tế xấu xí này. Cụ thể hơn, Trung Quốc nắm trong tay 3 lợi thế lớn khi đề cập đến quan hệ với ASEAN.
Trước hết, quan hệ kinh tế Trung Quốc - ASEAN đang mạnh mẽ và không ngừng phát triển. Trong năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt mức cao kỷ lục, khoảng 514 tỉ USD. Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong khi Mỹ chỉ đứng thứ 4. Hơn nữa, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã thúc đẩy BRI với các quốc gia thành viên ASEAN bất chấp một số dự án ở Malaysia và các nơi khác gặp trở ngại. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang diễn ra cũng tạo thêm xung lực mới cho việc thúc đẩy hoàn tất thương thảo về Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của hầu hết nền kinh tế châu Á nhưng không có Mỹ.
Thứ hai, Trung Quốc xem trọng Đông Nam Á hơn so với Mỹ. Vì các lý do địa lý và chiến lược, Trung Quốc phải thiết lập mối quan hệ tốt và hiệu quả với khu vực này nếu muốn gia tăng sức ảnh hưởng toàn cầu của mình. Đối với Trung Quốc, không khu vực nào khác gần gũi và quan trọng về mặt chiến lược như ASEAN, ngay cả Đông Bắc Á.
Lợi thế thứ 3 của Trung Quốc là nằm gần khu vực ASEAN. Bên cạnh hoạt động giao thương hằng ngày, sự trao đổi tiếp xúc giữa người dân Trung Quốc và ASEAN cũng gia tăng nhanh chóng - lên đến 50 triệu người vào năm 2018.
Dĩ nhiên, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc mới chỉ bắt đầu và còn quá sớm để biết rõ ai thắng ai bại tại Đông Nam Á, nhất là khi 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới còn phải giải quyết những thách thức nghiêm trọng trong nước. Hơn nữa, Đông Nam Á không phải là chiến trường cho các siêu cường giành giật hay cạnh tranh. Khu vực này có thể đóng một vai trò tích cực và hiệu quả trong việc thay đổi động lực tại khu vực và cán cân quyền lực toàn cầu. Đây là điểm có lợi cho cả Mỹ và Trung Quốc nếu họ muốn xây dựng một mối quan hệ bền vững với các nước thành viên ASEAN.
Theo NLD