ClockThứ Năm, 26/06/2014 13:29

Thọ Xuân vương phúc thọ bậc nhất

TTH - Thọ Xuân vương Nguyễn Phúc Miên Định (1810-1885) là con trai thứ 3 của vua Minh Mạng, dẫu không là hoàng đế như hoàng trưởng tử Nguyễn Phúc Miên Tông (vua Thiệu Trị) nhưng “phúc, thọ” hoàn toàn thuộc về ông. Thọ Xuân vương có 78 con trai, trong khi vua Thiệu Trị chỉ có 30 hoàng tử, Thọ Xuân vương thọ 77 tuổi, còn vua Thiệu Trị hưởng dương 41 tuổi, vua Thiệu Trị làm vua 7 năm nhưng Thọ Xuân vương, từ thời vua Minh Mạng đến thời vua Đồng Khánh, đã nhiều lần thay vua giữ kinh thành, trông coi việc nước khi vua Minh Mạng Bắc tuần, hoặc khi vua Hàm Nghi xuất bôn, …

Mẹ của Thọ Xuân vương là Gia phi Phạm Thị Tuyết, mất khi ông lên 3, vì thế bà nội là Thuận Thiên Cao hoàng hậu đưa vào cung để giáo dưỡng. Thuở nhỏ thể chất không khá nhưng rất thông minh và chăm học, được vua Gia Long rất thương. Khi trưởng thành ông rất tráng kiện, kiến thức uyên bác, có tài thơ và giỏi ứng chế. Khi phụng chiếu họa bài thơ “Cấm trung tử quý hoa” (Hoa quý trong cung cấm), ông có hai câu thơ nổi tiếng: “Tự tùng duệ tảo lưu đề vịnh / Quan chiếm quần phương độc đàn danh”(Từ khi được đế vương đề vịnh/Chiếm lấy quần hoa đệ nhất danh). Tuy Thạnh quận công Trương Đăng Quế, sư phụ của các hoàng tử, từng ca ngợi ông là bậc ứng chế nổi tiếng đương thời; vì thế trong sách “cung từ”, Miên Thẩm từng ca ngợi ông: “Tất cánh trầm tam hoàn đệ nhất/Đương gia thiên thủ Thọ Xuân công” (Tuy ở hạng ba nhưng thành nhất / Nổi tiếng đương thời Thọ Xuân công).

Đường thần đạo mà sứ Thanh bị buộc phải xuống kiệu vào điện làm lễ bang giao
Hành trạng của Thọ Xuân vương, có một nét son, lưu danh hậu thế, là giữ được quốc thể khi tòng giá vua Thiệu Trị trong lần ra Bắc thành để giúp vua anh lo việc bang giao với triều Thanh. Đại Nam chính biên liệt truyện chép: “Năm thứ 2, mùa xuân, ngự giá Bắc tuần làm lễ bang giao, vương sung làm Ngự tiền Thân thần. Ngày tuyên phong, sứ nước Thanh là Bảo Thanh ngồi kiệu vào thẳng cửa Chu tước, quan hầu tiếp không ngăn trở được. Vương nghiêm sắc mặt thét mắng, sứ nước Thanh liền xuống kiệu đi thong thả. Khi làm lễ xong, vua khen. Đến khi trở về kinh, thưởng cho một tấm bài đeo bằng ngọc trắng, có khắc 4 chữ 特 異 眷 休 “Đặc dị quyến hưu” (sủng ái đặc biệt)”.
Chính sử triều Nguyễn đã đánh giá Thọ Xuân vương rất cao; riêng vua Tự Đức, nhân dịp mừng thọ 70, đã làm một bài văn ca ngợi tài đức và việc ông được hưởng “phúc, thọ”, về sau khắc vào bia đá và hiện nay còn tôn trí ngay trước phủ Thọ Xuân vương. Bài văn khắc bia có đoạn:  “Nay Vương tiếng tăm không bằng Tùng Thiện và Tuy Lý, hào hùng tuy không bằng Ninh Thuận, làm giàu không bằng Định Viễn nhưng mà phúc thọ đầy đủ thì anh em của Vương từ trước đến nay chưa ai có, chỉ một mình Vương có đầy đủ. Chữ phúc cực đẹp của Vương là do đức sáng của triều ta. Cái phúc ấy thật thấm sâu, chảy rộng sáng khắp cõi đời không có giấy bút nào tả xiết, há chẳng phải là tuyệt thế vô song khiến cho những kẻ khác cũng phải kính cẩn nghiêng mình ư?”.
Lãng Điền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế

Có nhiều cách để có thể góp phần kế thừa và phát huy văn hóa ẩm thực Huế, trong đó, việc mỗi gia đình giáo dục cho các thế hệ sau những giá trị truyền thống nói chung, nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Huế nói riêng là cách cần được quan tâm.

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế
Nguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tử

Nếu tôi không nhầm, thì tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” của Châu La Việt là một trong ít tác phẩm sớm nhất hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024).

Nguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tử
Return to top