ClockThứ Năm, 05/03/2015 14:58

Thời gian và đôi mắt ấy

TTH - Tôi lần giở từng trang, đọc đi đọc lại mấy lần tập bản thảo "Mắt đọng dấu xưa" của nhà thơ Xuân Tốn, mà không biết nên bắt đầu từ đâu, và viết điều gì để nói được cái riêng có của tập thơ, khỏi phụ lòng tin cậy và gửi gắm của nhà thơ.

Thật khó, bởi đây gần như là tuyển tập được lựa chọn từ hàng trăm bài thơ đã được xuất bản thành 6 tập, và những bài thơ còn nằm trong sổ tay ghi chép của nhà thơ, và đặc biệt là những bài thơ của các thi hữu (phần lớn là hội viên Hội thơ Hương Giang, nơi ông đã từng gắn bó thân thiết trong một thời gian dài, với vai trò của một Chủ tịch Hội đáng yêu và đáng kính) viết tặng nhà thơ. Có thể nói, đây là thời gian sung mãn và thăng hoa nhất của nhà thơ. Bởi phần lớn các bài thơ có mặt ở “Mắt đọng dấu xưa” ông sáng tác trong thời gian này.

Thời gian đó cách đây tròn 20 năm (năm 1995), lúc ấy ông đã 75 tuổi. Thông thường ở độ tuổi ấy, thể chất giảm sút, trí tuệ không còn minh mẫn, làm việc chân tay đã khó, nói chi đến việc sáng tác thơ ca. Với ông là một điều lạ. Phải chăng những thử thách cam go, khốc liệt khi dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng; những năm tháng đằng đẵng và mòn mỏi trong địa ngục trần gian Côn Đảo; những thăng trầm, buồn vui, cay đắng, ngọt ngào mà ông đã nếm trải trên đường đời… cho ông có một sức chịu đựng khác thường, một tấm lòng trung trinh với đất nước, quê hương, một tình yêu sâu nặng với đồng bào, đồng chí đã cưu mang, nuôi dưỡng, che chở ông trong những tháng ngày gian khó… Tất cả đến lúc ấy dường như đằm lắng lại trong ông, khiến ông như trẻ lại, thanh thản, ung dung, tự tại hơn bao giờ hết. Ông muốn bày tỏ điều gì đó bấy lâu dồn nén trong lòng mà chưa nói ra được. Tâm trạng và cảm xúc ấy gặp được môi trường thi ca của những bạn hữu tâm đầu ý hợp sinh hoạt trong câu lạc bộ thơ truyền thống Hương Giang xúc tác hàng ngày, được nảy mầm và ngày một tươi tốt như hoa cỏ mùa xuân.
“Mắt đọng dấu xưa” khá phong phú về đề tài, đa dạng về ý tứ qua cách cảm và suy tư một cách hồn hậu và đầy lạc quan, trong sáng như là tấm gương phản chiếu cuộc đời và tâm hồn ông với đôi mắt trong veo như con trẻ. Ở đó, mùa xuân và tình yêu (em) luôn song hành, là mạch nguồn tươi mát và dào dạt yêu thương xuyên suốt tập thơ.
Khi tập thơ này đến tay bạn đọc, thì tác giả của nó là nhà thơ Xuân Tốn đã bước vào mùa xuân thứ 95 của cuộc đời. Dù mùa xuân có “khiêm tốn” đến đâu, thì muôn đời vẫn là mùa đẹp nhất trong năm, với bao hẹn ước đẹp và khát vọng cháy bỏng của tình yêu, của đoàn tụ và yêu thương. Đó cũng là điều mà nhà thơ Xuân Tốn muốn sẻ chia cùng bạn đọc gần xa khi màu xanh non tơ và mơn man của cỏ cây hoa lá của một mùa xuân mới đã đến.
Tôi tin không ít bạn đọc khi gấp lại trang cuối của “Mắt đọng dấu xưa” sẽ đọng lại trong lòng mình một cảm xúc ấm lành và dư âm dịu ngọt về tập thơ và tác giả của nó mang lại.
Lê Viết Xuân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”

Chiều 3/5 tại UBND xã Vinh Xuân (Phú Vang) diễn ra lễ khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi” năm 2024 do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế (thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế) phối hợp UBND xã Vinh Xuân tổ chức.

Khai mạc Trại sáng tác Văn học “Vinh Xuân – Mùa biển gọi”
Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế

Có nhiều cách để có thể góp phần kế thừa và phát huy văn hóa ẩm thực Huế, trong đó, việc mỗi gia đình giáo dục cho các thế hệ sau những giá trị truyền thống nói chung, nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Huế nói riêng là cách cần được quan tâm.

Lưu truyền văn hóa ẩm thực qua bữa cơm gia đình người Huế
Nguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tử

Nếu tôi không nhầm, thì tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam” của Châu La Việt là một trong ít tác phẩm sớm nhất hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024).

Nguồn cảm hứng làm nên những ca khúc bất tử
Return to top