ClockThứ Ba, 30/05/2023 07:04

Miên man rừng ngập mặn Tam Giang

TTH - Những cánh rừng ngập mặn xanh tốt không chỉ tạo ra các khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản, giúp đầm phá Tam Giang như khoác lên màu áo mới, mà còn bảo vệ môi trường sống trước tác động của biến đổi khí hậu, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân từ việc đánh bắt thủy sản đến làm du lịch cộng đồng.

Người dân cần đồng thuận để trồng rừng ngập mặn ở xã Quảng LợiTam Giang - Cầu HaiĐổi thay bên ni bờ phá Tam GiangBình yên Quảng NgạnCú hích cho phát triển du lịch đầm phá Tam Giang

leftcenterrightdel
 Rừng ngập mặn trên phá Tam Giang nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Thắng

1. Đêm bên phá Tam Giang ánh trăng thượng tuần huyền hoặc, mặt nước lấp lánh như dát vàng, tiếng gió vi vu len qua những ngọn bần chua, dừa nước. Ngồi đối ẩm với các lão ngư thôn Hà Công, xã Quảng Lợi (Quảng Điền), tôi như được ngược miền cổ tích về với Tam Giang.

Lão ngư Hà Công Phước cho biết, đời ông từ nhỏ đã gắn với sông nước Tam Giang. Thế nên, ông đã thuộc lòng câu ca: “Thương em anh cũng muốn vô/Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang”. Rồi ông miên man kể: Trước đây, tôm, cua, cá ở khu vực này nhiều lắm. Nhiều đến nỗi lúc đó khi đổ nò sáo, cất lưới chúng tôi thường chọn những con to đem về, còn con nhỏ thả xuống lại. Nghề đánh bắt bằng nò sáo, thả lưới lúc bấy giờ sống được, một đêm thu tiền triệu là chuyện bình thường.

Nhớ về thời huy hoàng, ông Hà Công Phước không khỏi xuýt xoa: “Nhưng lộc trời không cho ai mãi, tôm, cua, cá dần cạn kiệt. Một phần vì ngư dân đua nhau làm nò sáo, thả lưới đánh bắt triệt để. Một phần do xuất hiện nhiều người đánh bắt thủy sản hủy diệt, thậm chí sử dụng xung điện khiến tôm cá ngày càng ít”.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi Phan Đăng Bảo tiếp lời, đến năm 2016, được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các dự án trồng rừng ngập mặn được triển khai với các loại bần chua, dừa nước. Sau 7 năm trồng và chăm sóc, đến nay, địa bàn Quảng Lợi đã có gần 46ha rừng ngập mặn đã thành rừng ven phá Tam Giang gồm bần chua và dừa nước. Dự án cũng hỗ trợ người dân trồng rừng cây tại chân đập, ao hồ nuôi trồng thủy sản tại 40 hồ. Diện tích rừng ngập mặn đã phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường sống trước tác động của biến đổi khí hậu và mang lại nguồn lợi thủy sản phong phú cho người dân địa phương.

2. Tờ mờ sớm, Văn Hữu Sang, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch Tam Giang - Quảng Lợi đã dùng thuyền máy chở chúng tôi tham quan chợ thủy sản nổi Ngư Mỹ Thạnh và ngắm bình minh ở những cánh rừng ngập mặn. Chúng tôi như được hòa mình vào thiên nhiên, hít bầu không khí trong lành giữa những hàng cây bần chua đầy sức sống vươn lên trên sóng nước Tam Giang.

Nhìn về phía xa, Văn Hữu Sang chia sẻ, tháng 3/2020, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh phối hợp với ngành nông nghiệp huyện triển khai xây dựng Khu Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Vũng Mệ (xã Quảng Lợi) với diện tích 40ha, cùng nhiều giải pháp nhằm giữ lại nguồn cá, tôm đang có nguy cơ cạn kiệt. Trong đó có việc trồng rừng ngập mặn, thả “chà rạo” làm nơi trú ăn cho các loài thủy sản. Cùng với đó, thường xuyên thả các giống cá, tôm, cua xuống đầm phá nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

“Từ khi có khu bảo vệ thủy sản Vũng Mệ, ở đây phát triển của nhiều loài thủy sản, góp phần phục hồi, bảo vệ tính đa dạng sinh học, giúp người nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng nuôi sinh thái bền vững. Gần đây, vùng đầm phá này được bảo tồn, tái tạo, nhiều loại tôm, cá sinh sôi. Các loại tôm đất, cá bống đao, cá bống mũ, cá dầy... một thời gần như tuyệt chủng nay lại xuất hiện ngày càng nhiều. Có rừng ngập mặn tôm tép xuất hiện nhiều vô kể, có năm riêng thu hoạch tép nhiều ngư dân đã thu hàng chục triệu đồng” - Văn Hữu Sang chia sẻ.

Cũng nhờ những cánh rừng ngập mặn với hệ sinh thái đầm phá tiêu biểu ngay tại khu vực cánh đồng ven đầm phá và khu rừng ngập mặn đang dần hình thành một tràm chim. Do “đất lành chim đậu” nên các loài chim, cò về đây cư ngụ nhiều vô kể. Chính quyền địa phương cũng có giải pháp bảo vệ tràm chim này, ngăn chặn nạn săn bắn, tận diệt chim trời. Mùa mưa bão, rừng ngập mặn còn có tác dụng chống bão, ngăn chặn rác rều xâm lấn vào đồng ruộng khi triều cường lên.

Thấy được tiềm năng, thế mạnh của rừng ngập mặn mang lại, người dân chuyển hướng sang làm du lịch cộng đồng. Xã Quảng Lợi đã phối hợp với các đơn vị du lịch tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư về hoạt động du lịch nhằm tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, chú trọng xây dựng các sản phẩm nông sản, thủy sản đặc trưng của địa phương nhằm thu hút du khách. Với nét đặc trưng riêng có của vùng phá Tam Giang và rừng ngập mặn, du khách nước ngoài rất khoái khi về đây du lịch, trải nghiệm các tour tuyến tại đây dưới những cánh rừng ngập mặn xanh ngát.

3. Trồng rừng ngập mặn trên phá Tam Giang mang lại lợi ích kép. Thực tế đã chứng minh, rừng ngập mặn đã phát huy tác dụng, giờ đây người dân vui mừng, phấn khởi khi rừng ngập mặn trở thành “tấm lá chắn” trước mỗi đợt thiên tai, mưa lũ. Rừng trở thành âu thuyền tránh bão, nơi neo đậu ghe, thuyền của ngư dân, hạn chế những hư hỏng khi mưa bão, bảo vệ các hồ nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, người dân giảm rất nhiều chi phí đầu tư sửa chữa đê bao, ao hồ nuôi thủy sản của gia đình.

“Muốn phát triển du lịch đầm phá ở đây thì hạ tầng du lịch cần được đầu tư đồng bộ. Đề nghị tỉnh, huyện quan tâm bố trí nguồn lực kết nối toàn tuyến hành lang đê phía Tây phá Tam Giang từ Quảng Thái về Quảng Thành khoảng 10km. Cần có quy định mắt lưới đánh bắt cụ thể để người dân tuân thủ, không vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chính quyền xã đang chuyển đổi việc làm theo hướng “giảm khai thác, tăng nuôi trồng” gắn với an sinh xã hội cho người dân” - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi chia sẻ.

Trước những tác động tiêu cực của thiên tai ngày càng bất thường, gây sạt lở, xâm thực nghiêm trọng ở các địa phương, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân, việc khôi phục, trồng mới các diện tích rừng ngập mặn cho thấy là giải pháp hữu hiệu nhất. 

THÁI BÌNH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
NN
NDT - 30/05/2023 23:32
Trồng toàn bần và dừa nước. Những cây này có chắc là cây bản địa không. Đợt cá chết nổi lềnh bềnh ở cửa sông Ô Lâu thì sao?

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hiệu quả từ mô hình sinh kế cộng đồng

Dự án (DA) nâng cao năng lực của phụ nữ trong xây dựng mô hình sinh kế bền vững dựa vào quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước ở thượng nguồn sông A Sáp, thuộc huyện A Lưới với 10 mô hình kế cho 100 hộ dân đã thực sự mang lại hiệu quả bước đầu, khi bà con thu được nguồn lợi từ các mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS).

Hiệu quả từ mô hình sinh kế cộng đồng
Phòng, chống trộm cắp thủy sản trên đầm phá

“Phòng, chống trộm cắp thủy sản trên đầm phá” tại phường Thuận An (TP. Huế) được Công an TP. Huế, Công an tỉnh đánh giá là một trong những phong trào “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc” mang lại hiệu quả thiết thực tại cơ sở.

Phòng, chống trộm cắp thủy sản trên đầm phá
Ngày hội “Sóng nước Tam Giang” năm 2024:
Quảng bá văn hóa kết hợp du lịch đặc trưng vùng đầm phá

Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Festival Huế 2024, từ ngày 8 - 10/6, huyện Quảng Điền sẽ tổ chức Ngày hội “Sóng nước Tam Giang” với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao độc đáo, mới lạ, mang đậm nét văn hóa sông nước của vùng quê bên chân phá Tam Giang.

Quảng bá văn hóa kết hợp du lịch đặc trưng vùng đầm phá
Thông điệp về "Hành trình xanh" bảo vệ môi trường

Chiều 13/5, Trung tâm Đào tạo Kỹ năng mềm Quốc tế Ikigai và Khoa Môi trường, Trường Đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế tổ chức Chung kết Hội thi "Hành trình xanh" cho học sinh Trường THPT Tam Giang (huyện Phong Điền).

Thông điệp về Hành trình xanh bảo vệ môi trường
Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá

Thả con giống để tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản trên sông, đầm phá là hoạt động thiết thực được duy trì hàng năm nhằm góp phần phục hồi, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Phục hồi, cân bằng sinh thái trên sông, đầm phá
Return to top