ClockThứ Bảy, 10/10/2020 06:30

Giải pháp giúp cây xanh ứng phó với thiên tai

TTH - Để Huế có một màu xanh xuyên suốt từ đường phố vào công viên, từ hai bờ sông Hương thơ mộng đến quần thể di tích, các công sở, trường học, các công trình văn hoá… đâu phải chỉ một sớm một chiều mà phải trải qua cả thế kỷ với sức lực và tâm huyết của bao thế hệ.

Tham vấn người trồng cây xanhDọn cây gãy, đổHuế sau khi bão quaTái thiết & bảo tồn “đặc trưng cây xanh” đô thị HuếCây xanh Huế & những câu hỏi sau bão số 5Nghĩ về cây sau bão

Thu dọn cây xanh ngã, đổ sau bão số 5. Ảnh: TUẤN KIỆT

Gần đây, chính quyền địa phương từ cấp tỉnh đến thành phố đã đưa ra nhiều chủ trương, xây dựng nhiều dự án nhằm bảo tồn, chỉnh trang, trồng mới cây xanh.

Theo đó, các cơ quan chủ quản, đặc biệt là Phòng Quản lý đô thị và Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã toàn tâm toàn ý qua nhiều thời kỳ đầu tư công sức cho việc bảo vệ, tôn tạo hệ thống cây xanh đô thị. Nhiều đường phố trước đây không có cây xanh hoặc chỉ có kiểu lổ đổ thì gần đây đã được phủ xanh.

Tiếc thay, cơn bão số 5 chỉ quét qua thành phố Huế trong phút chốc nhưng hậu quả để lại cho hệ thống cây xanh đô thị rõ thật là khó lường.

Đành rằng, khi bão lốc đi qua, cây xanh ngã đổ là chuyện không thể tránh khỏi, nhưng thực trạng do hậu quả của cơn bão số 5 để lại cho hệ thống cây xanh ở Huế là chuyện đáng suy ngẫm. Thực trạng này đã làm cho tôi canh cánh trong lòng, muốn nói lên những gì mình hiểu biết về nguyên nhân sâu xa, từ đó mạo muội đưa ra một số đề xuất nhằm góp phần vào hệ thống giải pháp quản lý cây xanh để nâng cao sức chống chịu cho quần hợp cây xanh đô thị, giúp hệ thống cây xanh có thể ứng phó tốt với những cơn bão dữ, những trận lũ lụt lớn trong tương lai.

Xử lý cây xanh đô thị gãy đổ do bão. Ảnh: BẢO CHÂU

Ai cũng biết gió bão là nguyên nhân đã gây cho cây gãy đổ, nhưng gãy đổ như thế nào là chuyện cần bàn.

Trong cơn bão số 5 đi qua Huế,  những cây bật gốc phần lớn là cây mới trồng trong thời gian dăm ba năm gần đây, hầu hết cây được đưa trồng khi đã khá lớn, cao 3 – 4 mét, đường kính thân 15 – 20 cm, thậm chí có trường hợp còn lớn hơn, trong khi bộ rễ bị gọt sạch, không còn rễ cọc (rễ đột), mất luôn cả đoạn rễ sinh trưởng để cây ra rễ cấp một, chỉ còn lại một ít đoạn rễ cấp một ngắn cụt cỡn rồi từ đó sinh ra rễ cấp hai, cấp ba ăn ngang không thể cắm sâu vào nền đất được; nền đất vỉa hè đường phố thì hầu hết bị nén chặt lại có nhiều công trình kỹ thuật ngầm (điện, viễn thông, nước cấp, nước thoát) nên hệ rễ cấp hai, cấp ba của cây mới trồng thiếu không gian dinh dưỡng để phát triển. Những cây này có cành nhánh đã phát triển tốt, tán cây đã sum suê nhưng với bộ rễ quá yếu, không đủ lực để cho cây bám đất, gió mạnh thổi qua lắc thân, xoáy tán, nếu thân cành vững chắc thì bật gốc là lẽ đương nhiên.Thỉnh thoảng cũng có vài ba cây cổ thụ, tuy tuổi trồng đã lâu năm, thân cây đồ sộ tưởng chừng rất vững chãi, nhưng cũng bật gốc, để lộ rõ thực trạng bộ rễ còi cọc, cụt cỡn, nhiều rễ bị thối mục do tổn thương bởi các tác động cơ học khi con người thi công đào bới vỉa hè, ví dụ như cây lâm vồ (đa đề) – Ficus rumphii - trên vỉa hè đường Lê Lợi, nơi tiếp giáp với đường Điện Biên Phủ.

Những cây xé tước thân, gãy ngang thân hoặc gãy cành hầu hết thuộc nhóm cây có thân bộp, gỗ thân, gỗ cành giòn không chịu được những cơn gió lớn. Thuộc nhóm này điển hình nhất là cây lim xẹt cánh (nhiều người còn gọi là phượng vàng) – Peltophorum pterocarpum.

Sau bão số 5,  ở nội đô thành phố Huế, phần lớn cây gãy đổ thuộc loài cây này do cây lim xẹt cánh hiện hữu trên hơn 70% đường phố. Ở nhiều tuyến đường, công viên, nhiều cá thể lim xẹt cánh tuy đứng vững, không trốc gốc nhưng xẻ đôi thân hay tước một cành lớn. Nhiều cây chỉ còn trơ trụi thân.

Ý thức cộng đồng và một vài hạn chế của công tác quản lý, bảo vệ cây xanh cũng là nguyên nhân sâu xa.

Trong thực tế, hiện trạng một bộ phận người dân thiếu ý thức tác động tiêu cực vào hệ thống cây xanh xảy ra triền miên, đã vô tình hay cố ý gây tổn thương cho cây, làm cho cây mất sức sống, bị thương tật rồi dần dần bộng thân, thối gốc, trong khi các cơ quan quản lý chưa có những chế tài hữu hiệu.

Trong công tác quản lý, bảo vệ cây xanh, hàng năm cứ trước mùa mưa bão Trung tâm Công viên cây xanh Huế đều ra quân cắt tỉa cành nhánh nhiều cây xanh trên các vỉa hè.

Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, còn việc cắt mé cành đôi khi chưa quan tâm kỹ thuật cắt tạo tán giúp cây có tán gọn, cân đối để vừa bảo vệ cây chống gió bão vừa tạo mỹ quan; ít chú ý độ nghiêng của vết cắt, nhiều trường hợp vết cắt nằm ngang lại không được trám bít nên dần dần ngấm nước mưa, thối mục, tạo điều kiện cho các loài vi sinh vật xâm nhập gây hại khiến lâu ngày cây thối thân, bộng ruột.

Đề xuất giải pháp

Để góp phần làm tăng tính bền vững cho hệ thống cây xanh, giúp cây xanh chống chịu tốt với thiên tai, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

1. Giải pháp kỹ thuật: Không trồng cây quá lớn mà nên theo quy định về kích cỡ được ghi trong Thông tư 20/2005/BXD, đồng thời phải giữ được bộ rễ, không cắt gọt hết rễ cọc. Hố trồng phải được mở rộng, đào sâu để thay đất giàu dinh dưỡng vào, trước khi đặt cây xuống. Không trồng quá cạn nhằm giúp hệ rễ thứ cấp không ăn nổi. Cắt tỉa tạo tán, hạ độ cao vào mùa cây sinh trưởng, không đợi đến mùa mưa bão để cắt đối phó. Sau khi cắt tỉa, các vết cắt cần được trám bít bằng chất chuyên dụng. Thường xuyên thăm khám để phát hiện các tác hại của sâu bệnh hại, thực vật bì sinh đeo bám, các tổn thương thối gốc, bộng thân, bộp cành… để kịp thời xử lý đúng kỹ thuật. Khi chỉnh trang vỉa hè, nếu cố tình hay vô ý cắt rễ hoặc làm sây sát rễ thì phải xử lý vết thương trước khi lát nền, bó vỉa. Không nên trồng tràn lan các loài cây mọc nhanh có gỗ thân cành bộp, giòn, đặc biệt các là loài lim xẹt cánh (phượng vàng), bằng lăng… Trên những tuyến đường, công viên có cây lim xẹt cánh đổ gãy thì nên trồng thay thế bằng một loài thích hợp khác có khả năng chống chịu tốt hơn.

2. Giải pháp hành chính: Cần tuyên truyền, vận động cư dân đô thị không tác động tiêu cực vào cây xanh. Có biện pháp chế tài nghiêm đối với người cố tình xâm hại cây xanh khi thời hạn vận động hết hiệu lực.

ĐỖ XUÂN CẨM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn

Suy cho cùng, ý thức người dùng mới là quan trọng nhất. Nhưng nói ý thức chung chung thì khó quá, còn làm thế nào để buộc mọi người phải có ý thức trong cái sự xử lý "đầu ra" tế nhị và nhạy cảm kia thì lại là câu hỏi không hề dễ.

Đầu tư đã quan trọng, giữ gìn càng quan trọng hơn
Chỉnh trang không gian hai bờ sông Hương

Cùng với các dự án (DA) chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm, TP. Huế tiếp tục chỉnh trang các công viên (CV), điểm xanh khu vực hai bờ sông Hương nhằm hoàn thiện hạ tầng đô thị, tạo thêm nhiều điểm đến phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, dạo bộ dành cho người dân và du khách.

Chỉnh trang không gian hai bờ sông Hương
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế

TIN MỚI

Return to top