ClockThứ Bảy, 18/09/2021 14:36

Để Huế phát triển xứng tầm - kỳ IV: Đồng bộ hóa để phát triển

TTH - Không chỉ nhanh chóng rút ngắn cách biệt các xã, phường vừa sáp nhập với phần còn lại, nhanh chóng đẩy nhanh các dự án (DA) kết nối, vấn đề đặt ra là hướng tới xây dựng đô thị Huế hiện đại.

Để Huế phát triển xứng tầm - kỳ 3: Diện mạo Huế mớiĐể Huế phát triển xứng tầm - kỳ II: Vượt khó, ổn định tình hìnhĐể Huế phát triển xứng tầm - kỳ 1: Châu về hợp phố

Huế - đô thị di sản​

Rút ngắn cách biệt

Hương Thọ nằm ở miệt cao nên so với nhiều địa phương mới sáp nhập vào Huế, khó khăn hơn nhiều. Là xã vùng bán sơn địa, Hương Thọ có địa hình hình khá trắc trở. Những năm gần đây, nhiều DA giao thông đã được đầu tư nhưng nhìn chung chưa đồng bộ như các phường ở trung tâm thành phố. Gặp chúng tôi, sau khi nhắc tới những di tích lịch sử là một lợi thế của địa phương, như các lăng vua Gia Long, Minh Mạng hay điện Hòn Chén, Bí thư Đảng uỷ xã Hương Thọ - Nguyễn Xuân Lam hy vọng, sau khi sáp nhập vào Huế địa phương sẽ nhận được sự đầu tư nhiều hơn nữa về hạ tầng giao thông, thu hút các nhà đầu tư tiềm lực đến đầu tư các DA du lịch trên địa bàn.

Ngày 30/8, UBND TP. Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư DA điện chiếu sáng các tuyến đường liên phường, xã thuộc TP. Huế mở rộng với tổng mức đầu tư hơn 13,8 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế và địa điểm thực hiện DA tại các địa phương Thủy Bằng, Hương Hồ, Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thanh, Hương Phong. Thành phố cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư DA điện chiếu sáng xã Hải Dương với tổng mức đầu tư gần 3,5 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm góp phần chỉnh trang đô thị, đảm bảo an toàn giao thông, an ninh chính trị và trật tự đô thị; giải quyết nguyện vọng của Nhân dân các xã, phường vừa sáp nhập vào TP. Huế về chiếu sáng công cộng.

Theo Bí thư Thành ủy Huế - Phan Thiên Định, một trong những thách thức lớn trong việc mở rộng TP. Huế khi mà hơn chục năm nay, chính quyền thành phố đang ở trong phạm vị hẹp, với việc mở rộng địa giới, dân số tăng lên nhiều, vì vậy toàn bộ hệ thống chính trị phải thực sự thay đổi để gánh vác sứ mệnh đó. Nhiệm vụ đặt ra là phải đồng bộ hóa từ cách thức làm việc, công tác đầu tư hạ tầng đô thị, phát triển công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực… Việc đầu tiên cần làm là quan tâm đến hệ thống hạ tầng thiết yếu. Thành phố đã thành lập các tổ công tác đánh giá vấn đề để có định hướng đầu tư sớm nhất trong năm nay cũng như các năm tiếp theo, làm sao tạo ra sự đồng bộ về hạ tầng giữa thành phố cũ với các địa phương mới mở ra.

Kết nối để phát triển

Cuối năm 2018, tuyến đường Phú Mỹ - Thuận An, có điểm đầu trùng điểm cuối tuyến Tự Đức - Thủy Dương và Thủy Dương - TL 10A dài hơn 4 km đã khởi công với tổng mức đầu tư 345 tỷ đồng; dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.

Gần như cùng lúc, DA đường Chợ Mai - Tân Mỹ, điểm đầu giao với QL49 tại Km10 + 217 (đường Phạm Văn Đồng), điểm cuối giao với QL49 và đường vào cầu Ca Cút tại Km5 + 00, cũng được phê duyệt và triển khai xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành trong một tương lai gần. Những năm qua, cả hai công trình đã và đang gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có thể xem là tín hiệu vui, thể hiện khả năng đón đầu và “nhìn xa trông rộng” hướng về phía biển.

Rõ ràng, so với trước đây, với lần mở rộng này kích cỡ của Huế không chỉ to hơn nhiều mà còn có sự phát triển theo hướng khác nhau, không chỉ là với trục dọc, tức là theo từ bắc vào nam bám Quốc lộ 1 mà còn theo một trục phát triển mới từ tây sang đông; đồng thời, còn là trục phát triển kết nối đô thị di sản Huế với các đô thị động lực của các huyện, thị xã. Mục đích của kết nối là để phát triển, mở rộng không gian đô thị cho Huế, góp phần hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, khai thác có hiệu quả tiềm năng các vùng miền trong khu vực.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải nhận định, tuyến đường Phú Mỹ - Thuận An hoàn thiện nằm trên trục đường Võ Văn Kiệt đến TL10A sẽ trở thành QL49A nối từ huyện A Lưới sẽ kết nối với đường Vành đai 3, đang được chuẩn bị triển khai từ phía tây TP. Huế vào đường Minh Mạng, hứa hẹn xoay chuyển vùng đông - tây, tạo cơ hội đón đầu các nhà đầu tư chiến lược đến Huế. Cũng theo hướng mở rộng kết nối, sắp tới tỉnh sẽ khởi động lại tuyến đường bắc qua sông Hương (qua cầu Nguyễn Hoàng và đường Nguyễn Hoàng) để kết nối ra phía bắc. Còn phía biển và đầm phá là cầu mới xây dựng vượt cửa biển Thuận An (nối Hải Dương với Thuận An) có chiều dài 1,5km cùng tuyến đường bộ ven biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc dài 127km. Mới phác thảo đã thấy vui!

Hướng tới đô thị điện đại

Chương trình hành động 69 - CTr/TU, ngày 3/2/2020 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế thực hiện Nghị quyết 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra 10 nhiệm vụ; trong đó, đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP. Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố là một nội dung rất quan trọng. Mở rộng, xây dựng và phát triển TP. Huế xứng tầm là đô thị hạt nhân của tỉnh nằm trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Mở rộng Huế cũng được xem là một bước cụ thể hóa Quyết định số 649/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Hướng đi đã rõ, nhưng nhìn chung vẫn còn quá nhiều việc phải làm trong mục tiêu xây dựng Huế trở thành một đô thị hiện đại. Có dịp đi du lịch đến nhiều thành phố ở châu Á và rồi so sánh thì điều chúng tôi cảm nhận, ngoài trừ bờ bắc sông Hương với Kinh thành Huế được quy hoạch bảo tồn và phát huy di sản có từ khi thành lập, còn lại Huế vẫn phát triển khá tự do, thiếu hẳn những khu quy hoạch chức năng cần có của một thành phố hiện đại. Những năm gần đây, nhiều khu quy hoạch được mở ra ngay cả ở khu vực trung tâm thành phố, nhưng chủ yếu là phục vụ các dự án nhà ở và phân lô bán nền.

Từ lĩnh vực chuyên ngành, ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, làm gì đi chăng nữa, khi mở rộng thành phố đầu tiên cũng phải có quy hoạch mới cho du lịch. Nếu không, ít ra cũng cần có một đề án, kế hoạch cụ thể cho sự phát triển mang tính lâu dài và hệ thống. Trong quy hoạch, cần phân định rõ khu vực cần thu hút nhà đầu tư với những dịch vụ có chất lượng cao; khu vực dành cho cộng đồng, với các dịch vụ bình dân hơn; Tránh những “vết xe đổ” trước đó ở nhiều địa phương, ngay cả Lăng Cô cũng bị vấp phải chính là quỹ đất phần sát biển gần như dành hết cho nhà đầu tư.

Theo ông Phan Thiên Đinh, thành phố đang đặt vấn đề với các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước để xây dựng lại quy hoạch phát triển của thành phố. Việc quy hoạch này sẽ gắn liền với quy hoạch chung của toàn tỉnh, quy hoạch tích hợp mà tỉnh đang triển khai. Đây là việc đòi hỏi phải có thời gian và cần có sự cân nhắc thấu đáo. Trong việc xây dựng quy hoạch đó cũng cần phải xác định mục tiêu dài hạn hơn khi toàn tỉnh Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương thì lúc đó vai trò của thành phố như thế nào trong mối quan hệ với các địa phương xung quanh như thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang. Hy vọng, đó tín hiệu vui, bắt đầu cho sự phát triển mới cho Huế theo hướng đô thị hiện đại.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG - ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chỉnh trang hạ tầng, phát triển kinh tế đêm

Cùng với các khu phố đêm, phố đi bộ, TP. Huế đã và đang đầu tư hạ tầng và chỉnh trang các tuyến phố hình thành phố ẩm thực phục vụ du khách, đồng thời góp phần kích cầu du lịch và phát triển kinh tế đêm trên địa bàn.

Chỉnh trang hạ tầng, phát triển kinh tế đêm
Du lịch xanh để bền vững

Sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường được doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực du lịch lựa chọn, vừa giúp DN phát triển bền vững vừa để lại ấn tượng cho du khách khi tham gia trải nghiệm.

Du lịch xanh để bền vững
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng ngành y

Theo Sở Y tế, việc thu hút nhân lực không chỉ dừng lại ở chính sách đãi ngộ, mà còn là được học, được đào tạo liên tục, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo môi trường làm việc thuận lợi.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng ngành y
Ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế biển, đầm phá

Ngày 21/6, Huyện ủy Phú Vang tổ chức hội nghị phiên bất thường để cho ý kiến về Đề án điều chỉnh, bổ sung về cơ cấu ngành, lĩnh vực của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025; Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (sửa đổi, bổ sung) và thành lập các tiểu ban Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2025 – 2030.

Ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế biển, đầm phá
Return to top