ClockThứ Năm, 05/01/2023 14:28

Công trường thi công cao tốc Bắc Nam giai đoạn II không nghỉ sau khởi công

Ngay sau lễ khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn II 2021 - 2025 trong ngày đầu năm mới 2023, các Ban Quản lý dự án giao thông và các nhà thầu thi công đã khẩn trương huy động tối đa máy móc, nhân lực vào công trường đã có mặt bằng để gấp rút thi công.

Ngày 1/1/2023, đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - NamYêu cầu khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam trước 31/12Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 chuẩn bị khởi công và nguy cơ đối mặt nhiều ''rào cản''

Đảm bảo nguồn vật liệu thi công cho cao tốc Bắc Nam giai đoạn II quyết định tiến độ dự án.

Chủ động - linh hoạt

Theo ông Phạm Văn Minh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (BQLDA) - đại diện chủ đầu tư cao tốc thành phần Vũng Áng - Bùng (Bộ GTVT), ngay sau lễ phát động khởi công của Thủ tướng Chính phủ sáng ngày 1/1/2023, BQLDA đã yêu cầu tư vấn giám sát và các nhà thầu tập trung máy móc ra công trường gói thầu XL01 khi đã có mặt bằng sạch thuộc dự án thành phần Vũng Áng - Bùng để lên kế hoạch thi công.

Gần 1 tuần qua ngay trên công trường, BQLDA 6 đã rốt ráo yêu cầu nhà thầu thi công Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành triển khai đào, đắp ngay 1,5 km đoạn tuyến chính và khẩn trương làm việc với các liên danh nhà thầu thi công dự án thành phần khác là đoạn Bùng - Vạn Ninh để kiểm tra mặt bằng, bắt nhịp công việc. Đảm nhận phạm vi thi công từ Km636 - Km652 tại gói thầu XL01. Ông Nguyễn Tài Mạnh, Tư vấn giám sát gói thầu thuộc Tập đoàn Cienco4 cho biết đã huy động gần 30 đầu máy thiết bị, 50 công nhân thi công cọc khoan nhồi cầu Bản 2; lập bản vẽ thiết kế thi công, làm lán trại, phát quang, tập kết vật liệu…

Tại 2 dự án thành phần Bãi Vọt - Hàm Nghi và Hàm Nghi - Vũng Áng, Giám đốc Ban điều hành dự án (BQLDA Thăng Long - đại diện chủ đầu tư) Hoàng Chiến Thắng cho biết, trên cơ sở diện tích mặt bằng đã được địa phương bàn giao khoảng 81% (chiều dài tuyến bàn giao khoảng 76%), ngay sau lễ khởi công, Ban đã huy động 40 đầu máy thiết bị ở mỗi dự án để thi công; tạm ứng 10% giá trị hợp đồng xây lắp cho nhà thầu để có nguồn lực huy động vật tư, thiết bị... Theo kế hoạch trong năm 2023, khối lượng giải ngân đăng ký của 2 dự án này gần 1.000 tỷ đồng/dự án, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu trong quá trình thi công hoàn thành thủ tục nghiệm thu, thanh toán cuốn chiếu...

Cũng theo ông Hoàng Chiến Thắng, BQLDA Thăng Long đã có văn bản đề nghị địa phương hướng dẫn ngay thủ tục cấp phép mỏ vật liệu cho nhà thầu, thậm chí mua mỏ vật liệu để làm đường gom, đường công vụ, đảm bảo tiến độ thi công. Trước mắt, các nhà thầu đang làm thủ tục xin cấp phép khoảng 4 mỏ đất/dự án trong bán kính 20 km, để chủ động nguồn đất đá cát đắp nền đường.

Đại diện nhà thầu thi công đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng qua tỉnh Hà Tĩnh, ông Đỗ Thành Chung, Phó giám đốc Công ty xây dựng Xuân Trường chia sẻ, ngay sau lễ khởi công, doanh nghiệp đã bố trí các mũi thi công phù hợp, khoa học, đảm bảo dự án này sẽ hoàn thành trong 34 tháng, vượt tiến độ, để tránh tình trạng khan hiếm vật tư, vật liệu giai đoạn cuối. Đến nay, dự án đã giải phóng được trên 80% mặt bằng để phục vụ thi công. Dự án thành phần này cần 3 triệu m3 đất, các mỏ vật liệu tại địa phương qua khảo sát đủ trữ lượng và gần tuyến chính dự án.

Còn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, BQLDA Mỹ Thuận cũng yêu cầu các nhà thầu rốt ráo làm việc với địa phương để giải quyết nhu cầu vật liệu cho 2 dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau. Theo tính toán, 2 dự án này cần khoảng 22 triệu m3 cát, song hiện nay, công suất khai thác của các mỏ tại các địa phương mới đạt khoảng 10% so với công suất khai thác được cấp giấy phép...

Đại diện nhiều nhà thầu thi công Phương Thành, Đèo Cả, Tổng công ty 36… cũng đã lên kế hoạch thi công xuyên Tết theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong lễ khởi công và khẳng định, để tạo thuận lợi cho việc thi công đồng loạt, trên cơ sở kế hoạch tổng thể được lập, kế hoạch chi tiết từng ngày, từng tuần cũng đã được xây dựng, báo cáo với chủ đầu tư, nhất là với các hạng mục đường gom, đường công vụ, bãi đúc dầm, thí nghiệm vật liệu…

Báo cáo kế hoạch thi công trước ngày 15/1

Nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng cao tốc Bắc Nam giai đoạn II, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các BQLDA khẩn trương chỉ đạo nhà thầu lập kế hoạch thi công tổng thể, kế hoạch thi công chi tiết từng hạng mục, kèm theo kế hoạch huy động nhân sự, máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm… trình tư vấn giám sát, chủ đầu tư chấp thuận, báo cáo Bộ GTVT trước ngày 15/1/2023. Các Ban QLDA cũng được giao nhiệm vụ chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các bộ, ngành có liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.

Cụ thể, Bộ GTVT đã có văn bản gửi các BQLDA: 2, 6, 7, 85, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận về việc lập kế hoạch tổ chức thi công, quản lý chất lượng, tiến độ ngay sau khi khởi công các dự án thành phần.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các BQLDA phối hợp với các nhà thầu thi công khẩn trương làm việc với các cấp chính quyền của địa phương để hoàn tất các thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường, bãi đổ thải đảm bảo đủ trữ lượng, chất lượng đáp ứng tiến độ thi công của dự án.

Đối với các đơn vị tư vấn thiết kế, Bộ GTVT đề nghị thực hiện nghiêm túc công tác giám sát theo quy định, kịp thời phối hợp với chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề liên quan đến điều chỉnh thiết kế (nếu có); khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế của hồ sơ, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Bên canh đó, các đơn vị tư vấn giám sát được yêu cầu bố trí đầy đủ số lượng kỹ sư tư vấn giám sát, đảm bảo năng lực theo quy định của hợp đồng; giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của nhà thầu trên công trường, đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn, vệ sinh môi trường.

Về phía các nhà thầu, Bộ GTVT yêu cầu xây dựng hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu tại hiện trường ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án, thành lập phòng thí nghiệm hiện trường để kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình theo quy định; đồng thời, phát động thi đua tháng cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.

"Năm 2023, dự kiến nguồn vốn bố trí cho dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn II 2021 - 2025 khoảng 44.000 tỷ đồng, tiến độ giải ngân sẽ được đảm bảo kịp thời cho nhà thầu khi thủ tục nghiệm thu được hoàn thiện", đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho hay.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy nhanh tiến độ dự án Cải thiện môi trường nước.

Là một trong những dự án (DA) trọng điểm đã và đang triển khai trên địa bàn, DA Cải thiện môi trường nước TP. Huế (phần vốn dư) đang được các nhà thầu gấp rút thi công nhằm góp phần hoàn chỉnh và đồng bộ hạ tầng thoát nước trên địa bàn.

Đẩy nhanh tiến độ dự án Cải thiện môi trường nước
Phân bổ kinh phí triển khai dự án phục hồi thủy sản

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phân bổ kinh phí cho Dự án (DA) phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản tỉnh. Đến nay, đối với hợp phần thả rạn nhận tạo đã hoàn chỉnh giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tổ chức mời thầu xây lắp để triển khai thi công trong tháng 5/2024.

Phân bổ kinh phí triển khai dự án phục hồi thủy sản
Dang dở các dự án du lịch ở Chân Mây - Lăng Cô

Trước năm 2020, nằm bên Vịnh đẹp thế giới Lăng Cô (Phú Lộc), lần lượt các dự án (DA) du lịch được xây dựng với nguồn vốn lên hàng nghìn tỷ đồng đã nhen lên bao kỳ vọng cho địa phương. Buồn thay, đến thời điểm này các DA ấy vẫn đang dang dở.

Dang dở các dự án du lịch ở Chân Mây - Lăng Cô
Diễn đàn Nước Thế giới sẽ triển khai 120 dự án chiến lược trị giá 9,4 tỷ USD

Trang Indonesia Business Post dẫn lời Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, tổng cộng 120 dự án chiến lược liên quan đến nước và dịch vụ vệ sinh sẽ được thống nhất và triển khai trong khuôn khổ Diễn đàn Nước Thế giới lần thứ 10 đang diễn ra tại Bali.

Diễn đàn Nước Thế giới sẽ triển khai 120 dự án chiến lược trị giá 9,4 tỷ USD

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top